Một bệnh nhân nữ tên V.T.H., sinh năm 1963 vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với tình trạng bị sưng nề, tấy đỏ, phồng rộp vùng đầu gối. Bệnh nhân cho biết đã bị đau khớp gối suốt 2 năm, không đi bệnh viện mà bốc thuốc nam để điều trị.
Các tổn thương của bệnh nhận đã tạm ổn định
Gần đây tình trạng đau nặng hơn, nên chị nghe lời người quen, lấy loại lá không rõ tên, xào với dấm, giã nát và đắp lên đầu gối. Sau 2 tuần, quanh vùng đắp lá bị ngứa dữ dội, vết đỏ lan rộng và phồng rộp, bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, cho biết bệnh nhân có nhiều vết bỏng nước đã bội nhiễm. Các bác sĩ đã điều trị triệu chứng bằng kháng sinh kháng viêm tại chỗ. Hiện các tổn thương mô mềm đã ổn định. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn đang phải thực hiện các thăm dò khác để xác định rõ tình trạng bệnh lý khớp để có phương án phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho biết, đây không phải trường hợp duy nhất tự điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng phương pháp phản khoa học. Trước đó bệnh viện cũng tiếp nhận 1 bệnh nhân có bệnh nền tiểu đường, nhưng tự đi cắt, lể để chữa đau khớp, gây ra nhiễm trùng huyết.
Vết thương ở đầu gối do bệnh nhân tự ý đắp lá
Ngoài ra, cũng có nhiều ca biến chứng nặng do tự ý sử dụng các chế phẩm thuốc có chứa corticoid. Ban đầu, bệnh nhân có thể ăn ngon hơn, giảm đau nhưng lâu dài gây tình trạng mỏng da, dễ bị bầm tím, loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc suy thượng thận.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo, thoái hóa khớp là bệnh mạn tính, rất phổ biến ở phụ nữ trung niên. Hiện bệnh chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, nhưng nếu được chẩn đoán, điều trị phù hợp thì có thể ổn định và làm chậm diễn tiến. Do đó, bệnh nhân khi bị đau khớp cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị phù hợp, tránh các hậu quả nghiêm trọng.
Linh Khuê
Bé 9 tháng tử vong do tự đắp lá chữa bỏng tại nhà
Bé trai bị bỏng nước sôi ở đùi, gia đình chủ quan cho con đắp lá thầy lang. Bé tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu.