Sáng ngày 27/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân viên ngành TT&TT vào viếng, thắp nén nhang tiễn biệt nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân (anh Ba Thân).

Ông Đặng Đình Lâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.

Do vừa trải qua phẫu thuật, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Đặng Đình Lâm không thể vào TP.HCM tiễn biệt người “anh cả” của ngành Bưu điện Đặng Văn Thân. Chia sẻ với VietNamNet tại nhà riêng vào đúng ngày 27/5, ông Đặng Đình Lâm bộc bạch: “Hôm nay, tôi rất xúc động vì sự ra đi của anh Thân. Tôi vẫn sẽ nhớ mãi hình ảnh anh Ba Thân thời kỳ đổi mới, tăng tốc phát triển ngành Bưu điện”.

Hơn 2 tháng trước, ông có vào TP.HCM thăm ông Ba Thân: “Trông thấy anh Ba Thân, tôi xúc động lắm, bao kỷ niệm lại ùa về. Vẫn biết ngày anh ra đi rồi cũng đến, nhưng thực sự tôi rất buồn, thương tiếc người lãnh đạo, người anh cả đáng kính đã đưa ngành Bưu điện đổi mới và tăng tốc phát triển ngoạn mục”.

Biết ông Ba Thân từ giai đoạn trước đó, song phải từ năm 1986 khi có điều kiện tiếp xúc, trực tiếp triển khai các chỉ đạo của vị “tư lệnh” ngành, ông Đặng Đình Lâm mới được hiểu hơn về người lãnh đạo tài ba của ngành Bưu điện.

Nhấn mạnh những đóng góp của ông Ba Thân với ngành Bưu điện là vô cùng lớn, ông Đặng Đình Lâm cho rằng, trong bối cảnh ngành phải đối mặt với vô vàn khó khăn, ở cương vị người đứng đầu ngành, ông Đặng Văn Thân đã cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đưa ra 2 quyết sách quan trọng. Đó là ngành Bưu điện xin tự chủ về tài chính, tự vay tự trả, xin cơ chế được sử dụng ngoại tệ để tái đầu tư, không xin ngân sách nhà nước.

Quyết sách lớn thứ hai cũng vô cùng táo bạo là giữa lúc chuyển đổi công nghệ, dù đang bị cấm vận, khó khăn về nguồn vốn nhưng vẫn quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại - công nghệ số.

“Từ những quyết định đúng đắn đó, anh Ba Thân đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để hình thành nên một mạng lưới hiện đại làm nền tảng cho sự tăng tốc phát triển ngành. Ngành Bưu điện đã thực sự bứt phá, vươn lên và người Bưu điện đã có thể sống được bằng đúng nghề của mình”, ông Đặng Đình Lâm nhận định.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm và làm việc với Đảng bộ Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 1991. Khi đó ông Đặng Văn Thân là Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty.

Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Đặng Đình Lâm chia sẻ, những câu chuyện về sự quyết liệt, sát sao và tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm của ông Ba Thân trong giai đoạn đổi mới ngành cũng là những kỷ niệm ông không bao giờ quên.

Ngày ấy, khi bắt đầu triển khai công trình viba băng rộng Hà Nội - TP.HCM (còn gọi là viba băng rộng Bắc - Nam), tuy đã ký với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế - SEV cung cấp thiết bị cho công trình, song với quyết tâm đi thẳng vào công nghệ hiện đại, ông Ba Thân và lãnh đạo Tổng cục đã bàn và quyết định ngành Bưu điện chỉ nhận các thiết bị phụ trợ như cột anten, máy nổ…, còn không nhận thiết bị truyền dẫn mà chọn tự đầu tư thiết bị viba số.

“Việc không tiếp nhận viện trợ thiết bị GTT sử dụng công nghệ analog để đảm bảo đúng định hướng đi thẳng vào công nghệ số của ngành, cho thấy anh Ba Thân hết sức kiên quyết để hiện đại hóa hệ thống thiết bị viễn thông. Thiết bị viba số được đầu tư trên hệ thống đường trục Bắc – Nam sau này đồng bộ với các hệ thống tổng đài số của các địa phương, tạo thành một mạng lưới đồng bộ, thông suốt”, ông Đặng Đình Lâm nhớ lại.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân dự khánh thành Trung tâm viễn thông ở Điện Biên Phủ năm 1994 (Ảnh: Ông Đặng Đình Lâm cung cấp).

Giai đoạn công tác ở Ban quản lý viba Bắc - Nam và sau này ở Tổng Công ty BCVT Việt Nam cũng là khoảng thời gian ông Đặng Đình Lâm có cơ hội tiếp xúc với người đứng đầu Tổng cục Bưu điện có phong cách làm việc quyết liệt, sâu sát và luôn yêu cầu phải thực chất, hiệu quả.

Với mỗi công trình xây dựng cơ bản của ngành, ông Ba Thân thường xuyên nhắc đội ngũ triển khai về tiến độ. “Trong suốt quá trình làm việc cùng anh Ba Thân, anh luôn hỏi “Tiến độ thế nào?”. Anh ấn định thời gian hoàn thành công trình, chúng tôi thường theo mốc đó tính ngược, lên lộ trình để làm sao hoàn thành đúng hạn. Mỗi khi khánh thành công trình, yêu cầu anh Thân đặt ra là hệ thống phải vận hành ngay, có thể khai thác và kinh doanh dịch vụ luôn”, ông Đặng Đình Lâm nhớ lại.

Sự sâu sát với công việc của ông Ba Thân còn thể hiện ở chỗ ông luôn theo sát quá trình triển khai các việc, luôn hỏi công trình đang triển khai đến việc gì và lấy số người phụ trách nội dung đó để nắm bắt thực tế.

Đặc biệt, trong ấn tượng của ông Đặng Đình Lâm, ông Ba Thân còn là người lãnh đạo truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Sự tâm huyết, tinh thần dám dấn thân của ông Ba Thân đã khiến cho các cán bộ, nhân viên trong ngành như được truyền lửa, hào hứng làm theo, làm không quản ngày đêm và tìm mọi cách để hoàn thành được nhiệm vụ.

“Từ tấm gương của anh Ba Thân, có thể thấy rằng trước mỗi bước chuyển giai đoạn đều cần có những quyết sách, chiến lược đúng đắn. Cùng với đó, là việc tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả với tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Ngoài ra, không thể thiếu việc quy tụ được một đội ngũ tâm huyết, hiểu biết để triển khai công việc thành công. Thời đổi mới, tăng tốc anh Ba Thân đã làm được việc đó. Với tinh thần ấy, ngành ta chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc chuyển đổi số, cách mạng 4.0”, ông Đặng Đình Lâm tin tưởng.