Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng phát biểu, chất lượng nhân lực y tế là xương sống của ngành, quyết định thành bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.  Vì vậy, các chính sách của Nhà Nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng nhu cầu thực tiễn, việc thực hiện chính sách có hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức nguồn nhân lực y tế... 

Được biết, hiện nay, cả nước ta có gần 200 cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở tất cả các trình độ. Trong đó, có gần 30 cơ sở đào tạo chuyên ngành Y khoa và trên 30 cơ sở đào tạo chuyên ngành Dược trình độ đại học; trên 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khoẻ trình độ trung cấp và cao đẳng.

Vì vậy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo nhân lực y tế đã và đang được Bộ Y tế xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề đổi mới, đào tạo nhân lực y tế vẫn là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đào tạo nhân lực y tế nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Bộ Y tế cũng đang xây dựng các quy định về̀ đào tạo bằng cấp chuyên khoa và mã cho các bằng chuyên khoa cho các loại hình nhân lực y tế; Các chuẩn năng lực cơ bản cho từng loại hình nhân lực y tế, để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo và làm cơ sở để đánh giá năng lực nhân lực y tế.

{keywords}
Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Luật khám, chữa bệnh và đưa vào nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, Bộ cũng đang cùng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng dựa trên năng lực.

Đồng thời, xây dựng dự thảo đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là nghiên cứu đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia kiểm tra năng lực người hành nghề khám chữa bệnh trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.

Bộ Y tế cũng đang đề xuất sửa đổi Luật khám, chữa bệnh và đưa vào nội dung thi cấp chứng chỉ hành nghề.

Luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề 

Để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2008 Bộ Y tế đã xây dựng các đề án, chính sách. Một trong những đề án nổi bật của Bộ Y tế là thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Năm 2013, Thủ tưởng Chính phủ đã có Quyết định số 92  phê duyệt Đề án Giảm quá tải bệnh viện. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh. Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân cho 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi.

 Đến nay hệ thống bệnh viện vệ tinh này đã có 21 bệnh viện hạt nhân và 119 bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Trên cơ sở các kỹ thuật cần chuyển giao cho tuyến dưới các bệnh viện tuyến trên xây dựng chương trình đào tạo, chương trình chi tiết và Tài liệu đào tạo, tổ chức triển khai đào tạo theo quy định. 

Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 2628 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Đề án hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Qua đó gốp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

 H. Thúy