Chiều 10/10, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cùng Tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè.

Đề cập tới vấn đề ngập nước tại địa phương, cử tri Nguyễn Văn Bình phản ánh, vào mùa triều cường, đường Trần Xuân Soạn nhiều thời điểm không phân biệt được đâu là sông, đâu là đường.

nguyenxuanbinh 1.jpg
Cử tri Nguyễn Văn Bình nêu thực trạng ngập úng tại buổi tiếp xúc cử tri

Tại đường Huỳnh Tấn Phát, mỗi lần mưa lớn, nước ngập đến tận đầu gối, người dân di chuyển rất vất vả.

"Tôi muốn hỏi, dự án chống ngập 10.000 tỷ của thành phố đã triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Cách đây vài năm, tôi nghe thông tin công trình khởi công trở lại nhưng đến nay vẫn im ắng. Chúng tôi đề nghị đại biểu làm rõ dự án có làm nữa không và nếu làm thì bao giờ xong?", ông Bình hỏi.

Trao đổi với cử tri về dự án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là một trong những dự án gặp vướng mắc lớn và thành phố cũng bỏ nhiều công sức tháo gỡ.

Ông cho biết, dự án dừng rồi tái khởi động và tiếp tục dừng là do nhà đầu tư khó khăn về tài chính. Đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã đạt trên 90%, chỉ còn 10% (khoảng 1.800 tỷ) nhưng nhà đầu tư không đủ tài chính để tiếp tục.

Thành phố đã đề xuất có cơ chế thanh toán sớm từ phía địa phương để nhà đầu tư hoàn thành công trình. Tuy nhiên, do dự án chưa hoàn thiện để nghiệm thu nên chưa có cơ sở để chi.

Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin, trong năm nay, ngân sách Trung ương và TP dành cho đầu tư hơn 64.000 tỷ đồng. TP sẽ sử dụng 5.700 tỷ cho dự án chống ngập, những dự án chưa xong thì chưa thể thanh toán được.

cutri-4.jpg
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời cử tri

“Do đó, thành phố đang xin cơ chế được sử dụng một phần trong 5.700 tỷ, gắn với khối lượng nhà đầu tư đã hoàn thành (trên 3.200 tỷ) thì hoặc cho vay hoặc thanh toán sớm để nhà đầu tư hoàn thành dự án”, ông Mãi nói.

Cũng theo ông Mãi, nhà đầu tư cho biết, nếu khởi động trở lại thì 6 tháng nữa sẽ hoàn thành.

"Chúng tôi như bị tách rời khỏi trung tâm vì kẹt xe"

Về giao thông, các cử tri cho rằng, vấn đề kẹt xe, ngập nước không phải là "đặc sản" của riêng TP.HCM mà nhiều đô thị khác đang gặp phải.

Tuy nhiên, dù thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng chưa có nhiều chuyển biến, vẫn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân tại đô thị đông nhất cả nước.

Một số cử tri quận 7 cho biết, họ có cảm giác quận đang tách rời với trung tâm thành phố, vì giao thông thường xuyên ùn tắc. Mỗi lần đi từ quận qua khu vực trung tâm đều kẹt xe khủng khiếp.

cutri-5.jpg
Cư tri chất vấn về vấn nạn kẹt xe, ngập úng

Theo cử tri Lê Ngọc Khanh (huyện Nhà Bè), nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh thi công chậm trễ, gây kẹt xe thường xuyên.

Các trục đường chính của huyện cũng còn nhiều bất cập về giao thông bởi xe tải, xe container thường xuyên di chuyển với cường độ cao.

Cử tri Nguyễn Xuân Bình (quận 7) bày tỏ, kẹt xe, ngập nước đang là vấn nạn ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố và đời sống của người dân. Cử tri của quận 7 cũng dẫn chứng, mỗi lần qua các cầu Khánh Hội, Kênh Tẻ để vào trung tâm thành phố, đều trải qua cảnh kẹt xe "kinh khủng". Khu vực qua cảng Sài Gòn, người dân cũng chen chúc nhau vào khung giờ cao điểm.

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, về vấn đề kết nối quận 7 với khu vực trung tâm, thành phố đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn. Việc điều chỉnh theo hướng, quận 7 sẽ có nhiều kênh kết nối với khu Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố.

Theo ông Mãi, quy hoạch chung đang hoàn thiện, nhưng còn phải trình cơ quan có thẩm quyền. Trước mắt, thành phố đang mở ra các hướng kết nối dưới các hình thức như metro, đường trên cao.

"Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông theo hướng kết nối các khu vực của mô hình thành phố đa trung tâm. Vấn đề giãn dân cũng nằm trong tính toán của thành phố trong việc thực hiện mô hình này", ông Phan Văn Mãi nói.