Ấn tượng kết quả hiệp định UKVFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.

Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực.

Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 23h tối 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 1/1/2021 theo giờ Việt Nam), và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021. 

Kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh, tăng so với năm 2021.

Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% (tăng 85,2%)... 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh ghi nhận mức sụt giảm so với năm 2021. 

Nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ EU như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%, máy móc, thiết bị giảm 15,9%, dược phẩm giảm 4,5%, sản phẩm hóa chất giảm 1,7%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 21,4%... Các thị trường nhập khẩu chính trong khối EU là Đức (chiếm 23,5%), Ai- len (chiếm 21,7%), I-ta-li-a (chiếm 11,6%), Pháp (chiếm 10,6%)... 

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Vương quốc Anh trong năm 2022 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021. 

Tuy nhiên, tỷ trọng thị trường Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 1,6% và 0,2%. 

Tăng số địa phương có hàng hóa xuất vào Anh

Về phía địa phương, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy: Trong số các tỉnh thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 44/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh, tăng 13 tỉnh so với năm 2021. 

Địa phương có trao đổi thương mại với Vương quốc Anh là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Ninh Bình, Thái Nguyên, và Lâm Đồng. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang Vương quốc Anh bao gồm nhiều điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. 

Ở khía cạnh thu hút đầu tư, báo cáo cho thấy: Trong năm 2022, Việt Nam thu hút được gần 134,7 triệu USD vốn đầu tư từ Vương quốc Anh, giảm 55,4% so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 53, giảm 5 dự án so với năm 2021. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Vương quốc Anh là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; khai khoáng. 

“Tương tự như các Hiệp định CPTPP và EVFTA, số liệu báo cáo từ phần lớn của các tỉnh, thành chưa rõ ràng, có nơi thậm chí chưa phân tách đầu tư từ các nước EU, các nước CPTPP và Vương quốc Anh nên chưa thể tổng kết được kết quả thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh kể từ khi UKVFTA có hiệu lực như thế nào”, Bộ Công Thương đánh giá.

Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam đã phối hợp với Vương quốc Anh thành lập các thiết chế như Ủy ban Thương mại, các Ủy ban chuyên môn như Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư và Thương mại điện tử, Thương mại và Phát triển bền vững, nhóm công tác theo quy định để thực thi Hiệp định; và tổ chức các phiên họp của các Ủy ban này. Đối với việc thành lập Nhóm DAG trong khuôn khổ UKVFTA, Nhóm DAG Việt Nam (được thành lập trong khuôn khổ EVFTA) sẽ đảm nhiệm vai trò Nhóm DAG cho UKVFTA.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng danh sách sơ bộ các trọng tài viên và ứng viên Hội đồng chuyên gia theo quy định về giải quyết tranh chấp và thương mại và phát triển bền vững Hiệp định UKVFTA.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo văn bản trình Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phê duyệt các danh sách này.

Trần Chung và nhóm PV, BTV