Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết Tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) vừa chia sẻ những nội dung trên trong chương trình Góc nhìn thẳng với VietNamNet.

Mời quý vị và các bạn xem video cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật:

Vài ngày qua, việc lực lượng chức năng xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo nghị định 100/2019 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi mức phạt tiền cao, thời gian treo bằng lái lâu.

Gần như không ai không đồng tình với việc xử phạt thật nặng những trường hợp tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn bởi tính chất cực kỳ nguy hiểm của nó. Và người dân đều mong muốn những vi phạm này phải được xử lý nghiêm túc, đúng theo quy định.

Vậy lực lượng cảnh sát giao thông sẽ cần phải làm gì để xử lý những vi phạm về nồng độ cồn một cách khách quan, công bằng, không có tiêu cực và có cách thức giám sát thế nào đối với lực lượng tham gia tuần tra để không xảy ra tiêu cực?

Góc nhìn thẳng mời đến trường quay Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết Tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Xin được cảm ơn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật đã tham gia chương trình với chúng tôi.

MC Như Quỳnh:  Đầu tiên xin được hỏi Thượng tá, những điểm nổi lên đáng quan tâm nhất trong vài ngày qua khi lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với những người tham gia giao thông đã ghi nhận được là gì?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Từ ngày 1/1/2020, khi luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực.

Trong đó, đặc biệt có sự tăng về số mức tiền xử phạt, cũng như một số chế tài về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là vấn đề vi phạm nồng độ cồn có những mức tăng rất cao.

Ví dụ mức cao nhất của ôtô lên tới 3 - 40 triệu đồng. Mô tô tăng từ 6 - 8 triệu đồng, đều tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Đối với người đi xe thô sơ, xe đạp, mức phạt từ 600 – 800 nghìn đồng.

Chính vì vậy, gây nên sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng không ít người tỏ ra băn khoăn. Đặc biệt, trong quá trình xử lý vi phạm của lực lượng CSGT,  chúng tôi hoàn toàn có sự chủ động về lực lượng, phương tiện, để vào ngày 1/1/2020 việc xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất  là vi phạm nồng độ cồn được thực hiện.

Từ ngày 1/1 đến nay, theo thống kê sơ bộ thì lực lượng CSGT đã xử phạt gần 700 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, với số tiền hơn 900 triệu đồng. Có thể nói, người vi phạm nồng độ cồn cũng hết sức choáng, bất ngờ với số tiền  phạt quá lớn.

Ví dụ, có những người lái ô tô, nồng độ cồn trên 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt tới 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, đối với mức môtô thì phạt đến 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Những người vi phạm cơ bản chấp hành, tuy nhiên với mức tiền phạt cao, thì cũng khiến nhiều người  ngỡ ngàng, cảm thấy hối lỗi và cho hay, nếu được quay trở lại thời gian, họ sẽ không uống rượu bia nữa khi tham gia giao thông.

MC Như Quỳnh: Theo thông tin trên báo chí, việc người vi phạm nồng độ cồn khi bị xử lý theo quy định của Nghị định 100 đã phản ứng dữ dội. Lực lượng cảnh sát giao thông có thấy người vi phạm phản ứng mạnh hơn so với việc xử lý theo quy định trước đây?

{keywords}
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết Tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an).

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Nói chung, xử lý nồng độ cồn đã gặp rất nhiều khó khăn.

Khi họ không tỉnh táo thì mọi việc kiểm soát hành vi, lời nói, cử chỉ rất khó. Họ sẽ phản ứng, chống đối khi đối mặt với lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, lực lượng CSGT đã chủ động bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện. Hiện chúng tôi kiểm soát cồn theo kinh nghiệm quốc tế, tức chúng tôi tiến hành định tính trước có cồn hay không thì mới định lượng. Đồng thời, chúng tôi có những phương pháp, biện pháp hợp lý.

Điều đặc biệt, chúng tôi nhận thấy có một số trường hợp đã phản ứng. Ví dụ:  giả danh một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Giáo dục và đào tạo. Một số người khác phản ứng tiêu cực, bỏ lại xe để đi hoặc là có những hành vi khác. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được thêm một ca  nào, trường  hợp nào về việc chống người thi hành công vụ.

MC Như Quỳnh:  Muốn xử lý khách quan, thì điều đầu tiên là thiết bị đo độ cồn phải chính xác, thượng tá có thể nói kỹ về các thiết bị đo mà cảnh sát giao thông đang sử dụng?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Việc kiểm soát nồng độ cồn hiện nay của lực lượng CSGT  toàn quốc đã tiệm cận với cả việc kiểm soát của quốc tế.

Đa phần các thiết bị kiểm soát nồng độ cồn của chúng tôi đều là thiết bị sản xuất tại Úc nhập khẩu từ Úc. Thiết bị này đều được đo  thụ  động và đo chủ động, tức là định tính rồi mới định lượng. Những thiết bị  này  có giải đo từ 0-3 miligam/lít khí thở, tức vượt rất xa so với ngưỡng mà luật đặt ra ngưỡng cao nhất là 0,4 miligam/lít khí thở.

Và những máy này đã được kiểm định của Tổng cục đo lường chất lượng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và thỏa mãn giữa hai kỳ kiểm định.

Việc mua sắm trang thiết bị này do Bộ Công an tiến hành và thực hiện theo đúng Nghị định 165 của Chính phủ.

Có thể nói, các thiết bị đo lường về đo nồng độ cồn về khí thở của lực lượng CSGT sử dụng là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật , đảm bảo được việc đo cho kết quả chính xác.

MC Như Quỳnh: Thưa Thượng tá, mức xử phạt cao, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh là rất cần thiết. Những hệ lụy dễ thấy nhất là nếu  "cưa" số tiền xử phạt giữa người vi phạm và lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm giao thông cũng lớn theo, rất dễ xảy ra tiêu cực. Thượng tá có thể cho biết cảnh sát giao thông đã tính toán về việc này ra sao?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Có thể nói, trước bất cứ Nghị định nào quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực  giao thông đường bộ được ban hành, đều nhận được dư luận. Lực lượng CSGT, đặc biệt là Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an có những giải pháp.

 Đó là những giải pháp về thể chế. Tức đã quy định rất chặt chẽ trong quy trình công tác, quy trình tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT, cũng như trong chương trình Góc nhìn thẳng gần đây, chúng tôi đã cho hay, đang xây dựng thông tư mà có lẽ trong quý 1 năm 2020 sẽ ban hành. Đó là thông tư về quy trình tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đường bộ, hướng tới  việc công khai, minh bạch.

Hơn nữa, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Công an  cũng đã ban hành Thông tư về quy chế dân chủ  trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, quy định công khai những quy trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, để  người dân nắm bắt, giám sát.

Chúng tôi cũng cụ  thể hóa các hình thức giám sát của người dân, thông qua giám sát trực tiếp , thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả dùng máy ảnh, thiết bị ghi âm, nhưng  phải theo khuôn khổ pháp luật.

Chúng  tôi cũng tham mưu để Bộ trưởng Bộ Công an ban hành chỉ thị 01 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lực lượng công an nhân dân. Trong chỉ thị này, chúng tôi cũng tập trung yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị của CSGT phải gương mẫu, làm tốt công  tác chính trị, lễ tiết, tác phong. Họ phải thực hiện công tác phòng ngừa, phòng tránh tiêu cực trong lực lượng CSGT và chịu trách nhiệm như nếu xảy ra sai phạm, người  thủ trưởng cũng bị liên đới và bị kỷ luật liên quan.

Có thể nói, lực lượng công an nhân dân nói chung cũng như lực lượng CSGT, rất kiên quyết với các hoạt động phòng ngừa sai phạm tiêu cực và ứng xử có văn hóa, đúng quy định với điều lệnh nghiệp vụ trong quá trình làm việc, tiếp xúc nhân dân.

Đối với những vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT cũng thực hiện như ngoài việc thực hiện các chốt chặn, công khai minh bạch , chúng tôi bố trí các chốt có nhiều cán bộ chiến sĩ. Những chốt lớn, có từ 5 cán bộ chiến sĩ trở lên để phòng ngừa việc người vi phạm, người say rượu bia chống đối lại lực lượng CSGT.

Tại các tuyến đường, chúng tôi cũng có  những nắm bắt để đạt hiệu quả, đảm bảo hoạt động của lực lượng CSGT công khai, minh bạch và đặt dưới sự giám sát của nhân dân.

{keywords}
Xuyên suốt trong năm 2020, lực lượng CSGT lấy trọng tâm việc kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

MC Như Quỳnh: Thưa Thượng tá, dịp gần Tết Nguyên đán là lúc diễn ra nhiều việc khiến người dân sử dụng bia rượu nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Vậy kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng CSGT dịp Tết Nguyên đán 2020 này có gì mới so với những năm trước?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Có thể nói, năm 2019, có thể gọi là năm mà lực lượng CSGT tuyên chiến với nồng độ cồn và rất quyết liệt với những vi phạm về nồng độ cồn. có hơn 182 nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng CSGT cả nước xử lý. Tính ra, trung bình 1 ngày, có gần 500 trường hợp vi phạm bị xử lý.

Ngoài xử lý nồng độ cồn, chúng tôi còn tập trung xử lý cả vào ma túy. Chính vì vậy, khi phòng chống tác hại rượu bia có hiệu hiệu lực, ngay từ đầu tháng 12 đến trung tuần tháng 12, chúng tôi đã mở 1 đợt cao điểm trong toàn quốc về xử lý nồng độ cồn.

Hiện nay, CSGT cả nước đang bước vào đợt cao điểm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội năm 2020. Lực lượng CSGT bên cạnh tập trung xử lý những lỗi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông thì nồng độ cồn và ma túy cũng là một trong những nội dung, chuyên đề quan trọng mà lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, xử lý.

Đặc biệt khi nghị định 100 có hiệu lực, chúng tôi cũng tập trung xử lý và nắm bắt các tuyến đường, các tụ điểm vui chơi giải trí để bố trí lực lượng phù hợp, đảm bảo kiểm soát tốt về nồng độ cồn và chúng tôi tiến hành kiểm tra, kiểm soát vào những khung giờ sau giờ ăn trưa và sau giờ ăn tối. Thời gian vào những ngày nghỉ lễ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ Tết, để đảm bảo cho người dân được đi lại đón Tết an toàn.

Xuyên suốt trong năm 2020, lực lượng CSGT lấy trọng tâm việc kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Xin được cảm ơn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật về cuộc trao đổi thẳng thắn. Chúc mọi người thực hiện tốt việc đã uống bia rượu thì không lái xe, để chúng ta thực sự an toàn khi tham gia giao thông nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Xin kính chào và hẹn gặp lại.

Góc Nhìn Thẳng (thực hiện)