Sáng 18/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) đã thông tin sơ bộ về Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân - nỗ lực bảo vệ quyền con người trong chuyển đổi số của Việt Nam.

Theo ông Dũng, Nghị định được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT. (Ảnh: Quang Phong)

Đặc biệt Nghị định đã cụ thể hoá một số nội dung trong Luật An ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân… 

Nghị định được xây dựng cũng để hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bên cạnh đó còn tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh liên quan tới dữ liệu cá nhân…

“Việc ban hành Nghị định 13 là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức…”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) nhận định dữ liệu thông tin cá nhân rất quan trọng, như là mỏ vàng và hầu hết các vụ tấn công dữ liệu đều nhằm vào dữ liệu cá nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân, từ việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể phát sinh nhiều loại tội phạm, liên quan đến lừa đảo hoặc bị dụ dỗ vào những đường dây hoạt động bất hợp pháp, thậm chí còn gián tiếp gây ra hậu quả liên quan đến tính mạng. Trong khi đó, tình trạng mua bán thông tin cá nhân hiện nay khá phổ biến.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng.

Tuy nhiên, theo ông Tuân, việc nhận thức về bảo vệ an toàn thông tin cá nhân hiện nay rất thấp. Nhiều loại thông tin cá nhân được cung cấp tuỳ tiện trên mạng xã hội. Ngay cả thông tin cá nhân của trẻ em cũng được các bậc cha mẹ dễ dàng chia sẻ. Điều này gián tiếp tạo ra rủi ro cho các con.

Theo ông Tuân, phần lớn nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là do người dùng. Ông cho rằng, mỗi công dân phải có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân. Còn các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với thông tin cá nhân thu thập được.

“Thông tin cá nhân là tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức. Do vậy, việc bảo vệ thông tin cá nhân chính là góp phần giảm thiểu các rủi ro cho chính bản thân mình”, ông Nguyên Đức Tuân nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng đưa ra 3 lưu ý cho chủ dữ liệu, tổ chức, doanh nghiệp khi khai thác, xử lý dữ liệu.

Thứ nhất, là tuân thủ nghiêm các quy định trong Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có trách nhiệm liên quan đã được quy định cụ thể.

Hai là, nghiên cứu, xác định rõ nội dung cần triển khai phù hợp với quy định của Nghị định.

Ba là, chủ thể dữ liệu (cá nhân) nghiên cứu, hiểu rõ quyền và trách nhiệm cả mình dược quy định trong Nghị định để có cách thức bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.