Phát biểu tại hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước" hôm nay (5/8), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, đây là một chủ đề thú vị nhưng rất khó khăn.

Đặc biệt,  trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động thực tiễn. "Làm gì làm, yếu tố con người vẫn có vai trò rất quan trọng và quyết định", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Không thể mạnh khoẻ khi chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu

Theo ông Tuấn, gần 20 năm cải cách hành chính nhà nước, chúng ta tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính mà quên mất yếu tố rất quan trọng, đó là con người. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

"Chúng ta nói cơ chế một cửa nhưng cuối cùng là liên quan đến con người sinh ra một cửa nhưng nhiều khóa, nhiều ngách. Yếu tố con người trong hoạt động của các cơ quan nhà nước luôn luôn quan trọng, nhất là khi xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhìn nhận. 

Ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý, thời gian qua, việc tinh giản biên chế chưa thực hiện triệt để, chỉ tinh giản số người nghỉ hưu, cắt biên chế trong kế hoạch hoặc số người chuyển công tác ra khỏi khu vực công.

Việc đánh giá, phân loại, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đủ năng lực thực thi công vụ hoặc không đảm bảo sức khỏe vào diện tinh giản biên chế chưa được thực hiện đúng theo tinh thần tinh giản biên chế. 

Với thực tiễn như vậy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích và đưa ra những giải pháp để làm cơ sở cho Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng mọi vấn đề nằm ở chính sách. Công chức là những người thực thi pháp luật, thực thi công quyền, dịch vụ công nhà nước giao.

"Vì vậy, không thể có một nền công vụ mạnh khoẻ, không thể có một khát vọng vươn lên của đội ngũ công chức để thực thi công vụ, phụng sự Tổ quốc và nhân dân tốt khi chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu”, ông Thu lưu ý.

{keywords}
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chúng ta mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

“Thậm chí có nước,  ngoài chế độ tiền lương còn có chế độ nhà ở và các phúc lợi khác khi yêu cầu họ thực thi công vụ và phục vụ người dân tốt hơn. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc đó mà loay hoay mãi trong cải cách tiền lương", ông Thu đặt vấn đề và cho rằng, cải cách tiền lương chưa giải quyết được bài toán đặt ra hiện nay.

Nhiều người tốt vào cơ chế này không giữ được mình

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhắc đến tình trạng đội ngũ cán bộ công chức đông mà không mạnh. Vì vậy, chỉ riêng tiền lương nuôi bộ máy đã là gánh nặng với dân.

Ông dẫn chứng hiện nay ngân sách cho tiền lương chiếm hơn 60% chi thường xuyên. Đây là câu chuyện nhức nhối nhưng nhức nhối hơn là tình trạng phá hoại, gây bức xúc xã hội.

“Tôi chưa nói đến cá nhân không được rèn luyện, chọn không đúng người nhưng theo tôi phải bắt đầu từ cơ chế. Nhiều người tốt vào cơ chế này không giữ được mình, ai muốn giữ mình thì bị văng ra. Nếu một tập thể mạnh thì giữ được mình; còn tập thể yếu, thủ trưởng không nghiêm túc, đứng đắn thì người nào không nhập cuộc sẽ bị văng ra”, ông Thạo nói.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, giữa thể chế và phẩm chất đạo đức cán bộ, về lâu dài thể chế phải có trước. Thể chế tốt thì người tốt vào phát huy được, người xấu vào không thể làm bậy.  Nhưng thể chế hiện nay hoàn thiện quá chậm, chức năng nhiệm vụ không rõ trách nhiệm, làm cũng được, không làm cũng được.

{keywords}
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo

“Tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Bây giờ vì sao nhiều người thích vào  công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào cả”, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định.

Theo ông Thạo, đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta hiện nay đông là vì có đến 3, 4 hệ thống. Bên Đảng cũng công chức, MTTQ và các đoàn thể cũng là công chức. Thêm vào đó là, một đất nước nhỏ nhưng có đến 63 tỉnh, hơn 500 huyện, trong khi Trung Quốc chỉ có 31 tỉnh.

Vì vậy, ông đề nghị phải kiến nghị xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, ngoài việc phải phân biệt bộ máy hành chính nhà nước với tổ chức Đảng, tổ chức của hệ thống chính trị xã hội, phải xem lại quy mô tổ chức hành chính hiện nay.

Ngoài ra, ông Thạo cho rằng, bộ máy nhà nước đông quá là bởi nhà nước làm thay thị trường và các tổ chức xã hội quá nhiều. Vì vậy, cần rà soát lại xem chức năng nào nhà nước có thể chuyển giao cho thị trường, cho các hiệp hội thì nên giao.

Thu Hằng

Bảng lương mới được thiết kế như thế nào?

Bảng lương mới được thiết kế như thế nào?

Bảng lương mới của khối Đảng, đoàn thể sẽ do Ban Bí thư quy định; lương khối QH do UB Thường vụ QH ban hành; Chính phủ quy định lương cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang.