Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu “đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển…; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực…”.

Trên thực tế, thời gian qua, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đẩy mạnh đầu tư vào phát triển các khu kinh tế ven biển. Hiện vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 11 khu kinh tế ven biển, chiếm quá nửa trong tổng số 19 khu kinh tế ven biển của cả nước.

anh bai.jpg
Các khu kinh tế ven biển tại miền Trung đã và đang khẳng định vị trí trong nền kinh tế của các địa phương.

Thời gian qua, các khu kinh tế ven biển tại miền Trung đã và đang khẳng định vị trí trong nền kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế nói chung của từng địa phương cũng như của cả nước.

Tiến sĩ Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) dẫn một loạt số liệu cụ thể để chứng minh cho nhận định nêu trên: Giá trị sản xuất của các khu kinh tế ven biển tại miền Trung đã tăng mạnh, nếu như năm 2015 đạt mức 187.721 tỷ đồng, thì năm 2020 đã tăng gấp 3,6 lần lên mức 675.525 tỷ đồng, nghĩa là sau 5 năm đã tăng thêm 487.805 tỷ đồng. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gấp 4,22 lần, từ 46.434 tỷ đồng năm 2015 lên 196.101 tỷ đồng năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các khu kinh tế ven biển chiếm gần 25% giá trị sản xuất của vùng trong năm 2015, tới năm 2020 đạt hơn 29%. Quy mô sản xuất năm 2015 chiếm hơn 12% nền kinh tế chung, đến năm 2020 đạt hơn 28%.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Quang Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của các khu kinh tế ven biển ở miền Trung vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra. Chẳng hạn về hiệu quả sử dụng nguồn lực, chưa giải quyết thỏa mãn nhu cầu việc làm cho người lao động; hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế và vùng phía Tây còn hạn chế.

Sự phát triển sản xuất của các khu kinh tế ven biển miền Trung không đều. Chỉ 4 khu Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) đã chiếm gần 83% giá trị sản xuất của 11 khu kinh tế ven biển miền Trung năm 2015, tới năm 2020 vẫn ở mức hơn 80%. 

Đặc biệt, “việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt là về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ tại các khu kinh tế ven biển”, ông Bình nhấn mạnh.

“Giải mã” những hạn chế trong sự phát triển các khu kinh tế ven biển miền Trung, Tiến sĩ Bùi Quang Bình lưu ý: Cơ chế chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển còn thiếu đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển. Cơ chế chính sách chung khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương và kéo theo tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương. Việc vận dụng, ban hành cơ chế chính sách của các địa phương thiếu thống nhất. Còn hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương có khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế ven biển với nhau.

Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài các khu kinh tế ven biển vẫn chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính kết nối, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc tập trung hóa cao gắn với chuyên môn hóa sâu cho từng khu kinh tế ven biển cũng như trên tổng thể vùng chưa rõ nét, thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển.

Bình Minh