Một quan chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 13/1 cho biết, tháng trước, nhiều quốc gia có thu nhập thấp đã từ chối nhận hơn 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 do chương trình toàn cầu COVAX cung cấp, chủ yếu do vắc xin sẽ nhanh chóng hết hạn và thiếu phương tiện bảo quản.
Theo hãng tin Reuters, con số trên cho thấy những khó khăn trong việc tiêm chủng cho người dân thế giới, dù nguồn cung cấp vắc xin ngày càng tăng. COVAX đang tiến gần tới việc cung cấp 1 tỷ liều cho gần 150 quốc gia.
Etleva Kadilli, Giám đốc bộ phận cung ứng tại UNICEF tuyên bố trước các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP) rằng: “Chỉ riêng trong tháng 12/2022, hơn 100 triệu liều vắc xin đã bị từ chối”. Bà Etleva cho biết, lý do chính của việc từ chối là thời hạn sử dụng vắc xin quá ngắn. Các nước nghèo hơn buộc phải trì hoãn việc tiếp nhận vắc xin vì không có đủ nơi bảo quản, gồm cả thiếu tủ lạnh để cất vắc xin.
Hiện, UNICEF chưa trả lời ngay câu hỏi, có tổng số bao nhiêu liều vắc xin đã bị từ chối. Ngoài các liều bị từ chối, nhiều liều vắc xin vẫn được cất giữ trong các cơ sở bảo quản ở các nước nghèo hơn mà không được dùng.
Theo tổ chức từ thiện CARE, dữ liệu của UNICEF về nguồn cung cấp và sử dụng vắc xin cho thấy, 681 triệu liều hiện trong tình trạng không được sử dụng tại 90 quốc gia nghèo trên khắp thế giới. Hơn 30 quốc gia nghèo tới giờ vẫn chưa dùng hết một nửa số liều vắc xin họ nhận được.
Tính đến nay, COVAX – chương trình toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, đã chuyển 989 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 144 nước, theo dữ liệu của liên minh vắc xin GAVI.
Đức khuyến nghị tiêm tăng cường cho thanh thiếu niên
Ban cố vấn vắc xin của Đức, gọi là STIKO, đã khuyến nghị tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa Covid-19 cho tất cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 khi nước này ghi nhận số ca mắc hàng ngày tăng lên mức cao nhất hôm qua (13/1).
Theo hãng tin CNN, trong một tuyên bố bằng văn bản, ủy ban khuyến nghị dùng vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech cho mũi tiêm tăng cường. STIKO cho biết thêm, các mũi tiêm tăng cường nên tiêm sau mũi thứ hai sớm nhất là ba tháng.
Tháng 8/2021, STIKO khuyến nghị tất cả trẻ em và thiếu niên từ 12-17 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Mỹ phát bộ thử Covid-19 miễn phí cho dân
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/1 thông báo về các nỗ lực của chính quyền nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 đang gia tăng, thông qua hỗ trợ y tế nhiều hơn và tăng cường cung cấp khẩu trang chất lượng cao.
Ngoài ra chính phủ sẽ phân phát miễn phí 1 tỷ bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân Mỹ. Và từ tuần tới, 1.000 nhân viên quân y sẽ bắt đầu triển khai khắp nước để giúp các cơ sở y tế quá tải đang thiếu hụt nhân viên do biến thể Omicron gây ra.
Ca nhiễm tăng vọt ở đông Địa Trung Hải
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/1 cho biết, khu vực đông Địa Trung Hải đã báo cáo về sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm virus corona kể từ tuần đầu tiên của tháng 1, song tỷ lệ tử vong lại giảm.
Ông Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực đông Địa Trung Hải của WHO cho biết, tới 8/1, khu vực này ghi nhận 17,5 triệu ca nhiễm và hơn 317.000 ca tử vong vì Covid-19. Trong tuần đầu tiên của năm 2022, có tổng số 206.980 ca mắc mới và 1.053 ca tử vong do Covid-19. So với một tuần trước đó, số ca mắc tăng mạnh 89% trong khi số ca tử vong lại giảm 13%”.
Khu vực đông Địa Trung Hải theo xác định của WHO là 21 quốc gia, với gần 679 triệu người.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Hoài Linh
Pháp: Ca mắc Covid-19 tăng vọt, Bộ trưởng Y tế nhiễm virus corona
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đã tự cách ly. Ông Veran mắc Covid-19 vào đúng thời điểm số ca nhiễm virus corona ở nước này tăng cao nhất từ trước tới nay.