Trong thời gian qua, cả thị trường nội địa và thị trường ngoài nước đều không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chủ lực phát triển lớn mạnh. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Việt Nam đã tận dụng và khai thác thành công các Hiệp định FTA đã ký kết.

Tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Nhờ khai thác hiệu quả những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường này có sự tăng trưởng vượt trội.

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về việc thực thi Hiệp định EVFTA. Đồng thời, để phục vụ tuyên truyền, phổ biến thông tin, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Đồng thời, Bộ đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu tại các tỉnh thành, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Sản phẩm nhựa được bảo vệ thương mại (ảnh: Băng Dương)


Đối với việc phát triển thị trường nội địa, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án ứng dụng công nghệ số và kĩ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế đối với các mặt hàng công nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. 


Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 207 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như sắt thép, sợi, nhựa, lốp xe, pin năng lượng mặt trời...

Việc các nước ngày càng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý hiệu quả với các vụ kiện PVTM nước ngoài. Nhờ đó, trong một số vụ việc, các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra...

Các kết quả này đã góp phần giữ vững thị trường, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo Bảo