Chiều 17/1, tại đường sách TP HCM đã diễn ra buổi giao lưu của tác giả Vương Trí Nhàn với bạn đọc về đề tài "Những chấn thương tâm lý hiện đại".
Đây không phải là buổi giao lưu, ký tặng sách đầu tiên tại đường sách TP HCM nhưng có lẽ là buổi giao lưu thu hút sự quan tâm của độc giả nhiều nhất, đặc biệt là giới trẻ. Khán giả thực sự bị lôi cuốn khi tác giả Vương Trí Nhàn chia sẻ những quan niệm, cách nhìn của ông về thói hư tật xấu của người Việt trong quá trình đô thị hóa.
Ngay mở đầu buổi giao lưu, nhà phê bình đã có ví von thú vị: “Tôi nhìn thấy đôi giày của các bạn trẻ nhiều màu sắc hơn, thậm chí có những màu rất nổi bật. Điều đó phần nào nói lên suy nghĩ, cách nhìn đã đa dạng, không bị bó hẹp trong một khuôn khổ”.Những chấn thương tâm lý hiện đại là tập hợp những bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn trên các báo Tuổi trẻ, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Nông thôn ngày nay… Tác phẩm được in lần đầu tiên vào năm 2009. Ông chia sẻ lý do viết thể loại này là: “Phiếm luận là viết cho chính mình nhưng cũng như đang được đối thoại với bạn đọc”.
Các bạn trẻ say sưa nghe nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ trong buổi giao lưu. |
Đánh giá, phân tích những vấn đề của đời sống đô thị bằng nhiều góc nhìn, so sánh với Đông, Tây, kim cổ là đặc điểm chính của những bài phiếm luận trong Những chấn thương tâm lý hiện đại. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã miêu tả những chuyện thường ngày như: tiếng ồn vượt ngưỡng, tai nạn giao thông, sự vô cảm của con người… bằng con mắt quan sát kỹ lưỡng của một nhà báo.
Điểm đặc biệt của mỗi bài viết là sự kết hợp nhuần nhuyễn hiện thực với vốn kiến thức về tác phẩm, nhà văn mà ông đọc được trong quá trình nghiên cứu văn học. Vì thế, độc giả sẽ bắt gặp hình ảnh những nhà văn nổi tiếng cùng nhiều mẩu chuyện vui về Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Phan Khôi…
Nhà báo - MC Trác Thúy Miêu cũng tham dự buổi giao lưu sách. |
Bên cạnh đó, ông Vương Trí Nhàn còn đặt mỗi vấn đề về văn hóa Việt trong tương quan so sánh với nước láng giềng Trung Quốc hay phương Tây, Mỹ hoặc xa hơn là những câu chuyện lịch sử. Nhờ thế, ông lý giải thấu đáo căn nguyên của vấn đề.
Chẳng hạn ông so sánh, cái vội vàng, gấp gáp của người Việt như nhà văn tác phẩm chưa hoàn thành đã giục nhà xuất bản xin giấy phép. Và ông cho rằng: “Sự nóng vội của người đời bây giờ có cái hạn hẹp trong tầm nghĩ, chỉ thấy đời sống trước mắt mà không thấy đời sống thâm nghiêm lâu dài; có cái tự ti biết mình quá lạc hậu với thế giới nên phải lo truy đuổi trong tuyệt vọng; có cái hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ”.
Cách đánh giá của ông trong Những chấn thương tâm lý hiện đại làm độc giả trân trọng tấm lòng của một trí thức khao khát đổi mới, xây dựng đời sống văn hóa nhân văn của người Việt.
Theo Zing