Chris Stokel-Walker
Nhà báo tự do
Chris Stokel-Walker là nhà báo tự do với nhiều bài viết xuất hiện trên các ấn phẩm uy tín như New York Times, The Times & Sunday Times, The Economist, Bloomberg, The Guardian và BBC. Ông đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách đạt giải thưởng danh tiếng trong đó có YouTubers: How YouTube shook up TV and created a new generation of stars xuất bản bởi Canbury Press tháng 5/2019.
Một cựu quản lý của YouTube từng kể với tôi rằng anh cảm thấy kinh hãi khi ngồi xem bộ phim hoạt hình với con gái 8 tuổi của mình: Công chúa được hoàng tử đẹp trai giải cứu khỏi đám chú lùn giận dữ; sau đó, chính hoàng tử lại là người cưỡng hiếp cô.
Đó không phải là chuyện hy hữu, và vẫn còn tồn tại cho đến tận hôm nay.
Mới tuần này, YouTuber người Mỹ Jarvis Johnson đã đăng một video nhấn mạnh vấn đề ở những kênh YouTube tuyên bố rằng họ tái hiện các câu chuyện có thật bằng phong cách hoạt hình.
Những video này, do người theo dõi gửi đến, bao gồm các câu chuyện về người nhập cư bất hợp pháp quyết định mang thai ở tuổi 12 để được ở lại Mỹ; hoặc những clip nhảm nhí trong đó người dẫn chuyện tuyên bố bà của họ thực ra là đàn ông tự cắt chân mình trong một vụ tai nạn.
Vấn đề là mọi người sẽ xem những video này nhờ chức năng đề xuất từ thuật toán của YouTube. Và khi click vào, người xem sẽ góp phần làm dày thêm túi tiền của những người sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) vốn không để tâm nghĩ đến những đứa trẻ ngồi xem nội dung do họ sản xuất.
Và chính bản thân YouTube cũng làm ngơ trước nhiều điều quan trọng khác.
Đặt ra quy định, rồi nhắm mắt làm ngơ
Nhìn vào những điều khoản dịch vụ của YouTube, ai cũng có thể thấy rõ ràng “giấy trắng mực đen": Dịch vụ này không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi.
Tuy nhiên, chẳng có ai đọc những điều khoản trên - của YouTube, hay bất kỳ app, website nào - trước khi sử dụng chúng cả.
Có hàng triệu trẻ em trên thế giới sử dụng YouTube. Toàn bộ phần phụ của nền tảng này tồn tại chỉ để thỏa mãn sở thích của trẻ em, cho phép tải lên những bộ phim hoạt hình vui nhộn, đầy màu sắc để dỗ dành khán giả nhí.
Ryan Kaji (được biết tới với cái tên Ryan ToysReview) - nhà sáng tạo nội dung có thu nhập cao nhất YouTube năm ngoái - thậm chí chưa đủ tuổi để tham gia nền tảng này. Cậu bé mới 7 tuổi.
Thế nhưng, Ryan còn được YouTube khen ngợi vì những thành công vượt trội của mình, đủ cho thấy nền tảng này đã nhắm mắt làm ngơ thế nào trước những quy định của chính mình.
YouTube thường được coi là nơi giúp “trông” con cái để những bậc cha mẹ đang căng thẳng, mệt mỏi được rảnh tay.
YouTube thường được coi là nơi giúp “trông” con cái để những bậc cha mẹ đang căng thẳng, mệt mỏi được rảnh tay.
Thật dễ dàng để đặt con họ xuống trước màn hình tivi, máy tính bảng, điện thoại và cho chúng xem phim hoạt hình, trong khi bản thân có thể tranh thủ nấu ăn, kiểm tra email của đối tác hay tắm rửa.
Theo dữ liệu được phân tích cho riêng cuốn YouTubers của tôi, kết quả khảo sát 20.000 trẻ em và cha mẹ của chúng về việc sử dụng mạng xã hội cho thấy chỉ có 4/10 phụ huynh luôn theo dõi việc sử dụng YouTube của con em mình. Trong khi đó, 1/20 trẻ em 4-12 tuổi nói rằng cha mẹ không bao giờ quan tâm chúng xem gì.
Thế nhưng, người lớn chúng ta cần phải quan tâm.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu đã phân tích hàng nghìn video nhắm vào trẻ em 1-5 tuổi. Nhiều video trong số này xuất hiện các nhân vật hoạt hình chúng yêu thích như Heo Peppa. Sau đó, họ bắt chước cách trẻ em nhấp chuột khi dùng YouTube và cách thuật toán đề xuất nội dung cho người dùng.
Khi làm như vậy, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 3,5% khả năng con bạn có thể gặp phải hình ảnh không phù hợp trong vòng 10 lần nhấp chuột vào các video thân thiện với trẻ em.
Công bằng mà nói, YouTube cũng đang cải tiến, dù có chậm chạp. Đầu năm nay, khi tôi phỏng vấn các tác giả thuộc nhóm nghiên cứu trên, thì xác suất và nguy cơ trẻ em gặp phải nội dung “bẩn", không phù hợp với lứa tuổi cao hơn so với hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cũng đang theo dõi sâu sát hơn những thay đổi trong thuật toán của YouTube để xem những động thái đã được thực hiện giúp cải thiện hay làm xấu đi những trải nghiệm trên nền tảng này.
Thế nhưng, câu hỏi nhức nhối đặt ra là: Tại sao ngay từ đầu, những nội dung không phù hợp đó lại xuất hiện? Và làm thế nào chúng lại tìm đường tới đúng màn hình của trẻ em?
Canh cánh nghĩ đến tiền
Với việc sử dụng công nghệ rẻ tiền và phổ biến, các nhà làm phim hoạt hình đã tạo nên những video có nội dung gốc kết hợp với các nhân vật được yêu thích nhất Hollywood.
Cụ thể, trong khi chuột Mickey bản gốc không bao giờ chửi thề hay hành động bạo lực thì trong các video này, Mickey và các nhân vật trẻ em khác xuất hiện với hình ảnh ngược lại.
Nói chung, các video này nhằm mục đích giải trí cho người lớn; chúng không nhất thiết nhắm tới trẻ em. Tuy nhiên, không giống như người lớn có thể phân biệt đâu là “bản fake” có nội dung bẩn, các thuật toán của YouTube lại không làm được như vậy.
Chúng chỉ dựa trên ảnh chụp màn hình nội dung trong video và không quan tâm đến hành động trong đó để rồi từ đó đưa ra gợi ý cho các video "liên quan" tiếp theo.
Nhiều YouTubers nhận ra lỗ hổng này. Thế nhưng, họ không hề lường tới hậu quả hay nghĩ cho những đứa trẻ ngồi xem nội dung do mình sản xuất. Họ chỉ canh cánh nghĩ làm sao để có tiền.
Chẳng cha mẹ nào nghĩ mình có trách nhiệm
Lại quay về vấn đề tuổi tác. Về mặt kỹ thuật, YouTube không được thiết kế để cho trẻ em sử dụng. Tuy nhiên, nó lại trở nên phổ biến đối với trẻ em hơn hầu hết nhóm tuổi khác.
Và do đó, một nền tảng được thiết kế cho người lớn phải uốn nắn lại để phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của trẻ em.
Matthew Reynolds, nhà phát triển app người Anh, đã mã hóa một chương trình phân tích nội dung các video phổ biến nhất trên YouTube ở Anh mỗi tháng và kiểm tra xem ngôn ngữ được sử dụng trong đó liệu có phù hợp với trẻ em hay không.
Và kết quả chẳng khiến ai ngạc nhiên cả.
Một phần tư số video phổ biến nhất trên YouTube vào tháng 6 có chứa từ “f**k”, một phần năm có từ “sh*t” (hai từ văng tục phổ biến trong tiếng Anh). Cứ 20 từ thì lại xuất hiện một từ nhạy cảm, miệt thị.
Tất cả đều không phù hợp với trẻ nhỏ và chúng có thể bắt gặp những từ này bất cứ lúc nào trên YouTube.
Đây cũng là vấn đề xuất hiện trên một ứng dụng phổ biến khác. Một phụ huynh mà tôi đã nói chuyện gần đây bày tỏ lo ngại về TikTok - ứng dụng chia sẻ các video ngắn, thậm chí còn phổ biến với lứa tuổi nhỏ hơn cả nhóm xem YouTube.
Tại sao có một khoảng cách quá lớn về tiêu chí: Cùng một nội dung, nhưng sẽ bị cấm trên nền tảng này và được cho phép ở nền tảng khác?
Một ngày nọ, tại tiệc sinh nhật của một cháu bé 9 tuổi, các thiết bị như điện thoại không được phép sử dụng. Tuy nhiên, có một đứa trẻ đã lén đem điện thoại vào bữa tiệc, mở TikTok lên và bắt đầu cho những đứa trẻ khác xem.
Chẳng mấy chốc, những đứa trẻ “dễ dụ” cuốn theo trò chơi trên đó, thốt ra loạt từ chửi thề khiến cha mẹ bàng hoàng.
Một trong những chủ đề chính mà tôi đã đề cập trong vài tuần qua là tại sao lại tồn tại khoảng cách giữa các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube và truyền hình truyền thống.
Tại sao có một khoảng cách quá lớn về tiêu chí: Cùng một nội dung, nhưng sẽ bị cấm trên nền tảng này và được cho phép ở nền tảng khác?
Có nhiều lý do, nhưng đáng lưu tâm nhất là cách YouTube đã san phẳng tôn ti trật tự từng tồn tại xung quanh các ngành công nghiệp sáng tạo.
Từng có thời gian, một chương trình truyền hình muốn được phép phát sóng phải trải qua tới vài vòng kiểm duyệt khắt khe, chỉ để đảm bảo tiêu chí tối quan trọng: Các nội dung phát sóng phải đều phù hợp.
Với YouTube, những gì bạn cần chỉ là một camera hoặc thiết bị ghi hình và kết nối Internet.
Vì vậy, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của “ElsaGate”, nơi các nhân vật hoạt hình được yêu thích xuất hiện trong những video có nội dung không phù hợp nhắm vào trẻ em.
Hãy chú ý đến những gì con bạn đang xem trên YouTube. Vì ngoài các bậc phụ huynh, thì chẳng có ai khác quan tâm.
Một số đề xuất gần đây, nhất là của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, đề nghị phạt YouTube vì các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Điều này cũng chẳng thấm vào đâu đối với một công ty có Google - một trong những gã khổng lồ công nghệ giàu nhất thế giới - đứng sau. Và dù sao đi nữa thì YouTube cũng không có đông lực thực hiện nhiều điều như vậy.
Trong cuốn YouTubers, tôi đã khảo sát 3.000 phụ huynh người Anh về bên mà họ cho là phải chịu trách nhiệm đối với nội dung được tải lên YouTube.
Phần lớn đồng tình rằng đầu tiên chính là nền tảng này, thứ hai là những người tải nội dung lên đó. Số khác thì cho rằng cả hai đều phải chịu trách nhiệm như nhau.
Chẳng cha mẹ nào nói mình cũng có trách nhiệm. Có lẽ họ nên nghĩ như vậy là vừa.
Hãy chú ý đến những gì con bạn đang xem trên YouTube. Vì ngoài các bậc phụ huynh, thì chẳng có ai khác quan tâm.