Giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Anh mặc dù có tăng trưởng tốt nhưng tăng, giảm thất thường. Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh tương đối ổn định hơn.

Đặc biệt, với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh.

Nhu cầu nhập khẩu cao

Theo dữ liệu thống kê từ Trung tâmThương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2019-2021 hàng năm nước Anh chi khoảng 4,32 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản, chiếm 0,64% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Anh.

xuất khẩu.jpg
Người tiêu dùng Anh luôn lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao. 

Năm 2020, đại dịch Covid-19 và vấn đề Brexit đã ảnh hưởng tới kết quả nhập khẩu thủy sản của Anh, cụ thể là giảm 5,62% so với năm 2019, đạt 4,144 tỷ USD.

Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Anh, chiếm 7,8% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Anh, đạt 323,6 triệu USD, tăng 8,71% so với năm 2019.

Sang năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Anh đã phục hồi trở lại sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát và các đối tác cũng đã quen với các quy định mới của Anh sau Brexit. Theo số liệu thống kê của ITC, trị giá nhập khẩu thủy sản của Anh năm 2021 đạt 4,424 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2020. Trong đó nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam chiếm 6,9% đạt 305,1 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2020. 

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, người tiêu dùng Anh luôn chỉ lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng.

Tuy nhiên lạm phát tăng cao ở Anh tác động mạnh tới quyết định chi tiêu của người tiêu dùng nước này đối với các sản phẩm thủy sản. Những sản phẩm thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến ở nhà sẽ được ưu tiên lựa chọn trong ngắn hạn khi lạm phát tăng cao.

Về mặt hàng, chiếm phần lớn với hơn 70% tổng trị giá nhập khẩu vẫn là các mặt hàng cá tươi hoặc ướp/đông lạnh, fillet hoặc chế biến (HS 0302, 0303, 0304, 1604). Các mặt hàng cá khác như cá nổi (cá thu, cá trích,…) hay cá thị trắng, tỷ lệ tự cung tự cấp ước tính ở Anh là dưới 30% nên hiện nguồn cung các mặt hàng này cũng đang phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu.

Khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại Anh

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tôm, cá tra, cá ngừ và mực là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam tới Anh. 

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới Anh. Các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường Anh là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan.

Những năm trước dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm của Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Riêng Ecuador trong giai đoạn 2020-2021 xuất khẩu tôm tới Anh vẫn tăng mạnh. Các nhà cung cấp tôm này đang dần ổn định nguồn cung do vậy tạo ra nhiều thách thức đối với mặt hàng tôm của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tôm đến từ Ecuador và Ấn Độ.

Cá tra là mặt hàng thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam xuất khẩu tới Anh. Đối thủ lớn nhất của mặt hàng này phần lớn là những sản phẩm cá thịt trắng khác có tính tương đồng và thay thế khi cần, như các nhà cung cấp cá rô phi, cá nước lạnh.

Lợi thế lớn nhất của cá tra Việt Nam là có mức giá phù hợp, dễ chế biến và tiện dụng cho chế biến ở nhà, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại nhà ở Anh tăng cao. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Anh thì các sản phẩm chế biến từ cá tra sẽ là lựa chọn phù hợp vì có mức giá ưu việt hơn các loại khác.

"Khả năng cạnh tranh của mặt hàng cá tra so với các loại cá thịt trắng khác tại thị trường Anh trong thời gian tới là cao", Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Đối với thủy sản khai thác như cá ngừ và mực, đây là 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 4 và thứ 5 tới Anh của Việt Nam, Tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 1,52% và 1,36%, không có kỳ vọng cạnh tranh cao ở thị trường Anh.

Vì yêu cầu các sản phẩm khai thác của Anh là tương đương với EU, trong khi thủy sản khai thác của Việt Nam đang chịu lệnh áp “thẻ vàng” của EC, khiến nguồn cung hai nhóm hàng này của Việt Nam cho thị trường Anh là thấp.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giá trung bình và rẻ ở dạng đông lạnh và tiện dụng sẽ được người tiêu dùng Anh lựa chọn ưu tiên trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Do vậy các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Anh sẽ tăng trong thời gian tới là tôm sú, tôm thẻ đông lạnh cỡ nhỏ và trung bình.

Bên cạnh đó, cá thịt trắng đông lạnh và đóng hộp tiện dụng ở nhà cũng là sản phẩm thủy sản ưu tiên tiêu dùng và được nhập khẩu nhiều vào Anh trong thời gian tới. Mặt hàng cá tra và tôm cỡ trung bình và nhỏ của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần trong thời gian tới.

 Phạm Lương Bằng, Nguyễn Hoài Linh, Lê Doãn Hợp, Lê Anh Dũng