Nhấn mạnh những bài học còn nguyên ý nghĩa thực tiễn của cuộc Cách mạng vĩ đại 76 năm trước, trong một bài phỏng vấn của TTXVN, Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

Bài học lớn nhất chính là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, trong nghị quyết trung ương lần thứ 8 Đảng đã đưa ra một tuyên bố thấm sâu vào tâm thức của dân tộc Việt Nam là “quyền lợi của giai cấp, bộ phận đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc.”

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc thì Đảng ta không có lợi ích nào khác, tức là toàn bộ sự nghiệp của Đảng là nhằm phụng sự quốc gia, dân tộc và chỉ khi nào chúng ta thấm sâu được tư tưởng đó đến từng Đảng viên, từng cán bộ thì lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là tổ chức lãnh đạo được lòng dân và lúc nào cũng được nhân dân tin yêu và ủng hộ.

{keywords}
76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chân lý của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn còn nguyên ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển

Chính nhờ sự ủng hộ của nhân dân mà cách mạng Việt Nam đã thành công trong kháng chiến và thời kỳ đầu của đổi mới. Giờ đây, khi chúng ta đang phải đương đầu với hiểm hoạ của đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn quán triệt nguyên tắc mà bác Hồ đã đặt ra cho thể chế của chúng ta là “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” tức là nước độc lập dân được hưởng tự do hạnh phúc, đó là nguyên tắc chính trị của chúng ta.

Bài học thứ hai là bài học về khối đại đoàn kết dân tộc. Việt Nam đất không rộng, người không đông, nguồn lực không phải là dồi dào thì sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là “bảo bối” giúp chúng ta trong suốt hàng nghìn năm vừa qua đứng vững qua các cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên ở những thời khắc tổ quốc lâm nguy, thời khắc quyết định cần có nội lực to lớn của dân tộc để vượt qua khúc quanh của lịch sử thì khối đại đoàn kết dân tộc là hết sức quan trọng. Cách mạng Tháng Tám đã chỉ ra cho chúng ta bài học đó.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới, thế giới toàn cầu hoá và nhất là khi đối diện với những nguy cơ to lớn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia, dân tộc như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, sự xâm lăng văn hoá và kinh tế toàn cầu thì chúng ta càng phải đoàn kết. Bác Hồ đã nói “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” và vừa rồi trong lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa.”

Thứ ba là bài học về sự sáng tạo. Cách mạng Tháng Tám là sự sáng tạo tuyệt vời của Đảng và dân tộc chúng ta. Sáng tạo ở đây là không lệ thuộc vào bất kỳ công thức nào cả mà phải trên nền tảng những sự tích luỹ về tri thức, nắm bắt được tình hình thực tiễn để tự tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn và giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan.

Bài học cuối cùng là bài học về thời cơ. Cách mạng Tháng Tám chỉ diễn ra trong hai tuần lễ từ khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân đồng minh ngày 15/8/1945 đến cuối tháng 8 trước khi các thế lực ngoại bang mang danh nghĩa quân đồng minh tiến vào nước ta để giải giáp quân Nhật, nếu chúng ta không giành được chính quyền để tiếp đón quân đồng minh với tư cách là người chủ thì chúng ta lại một lần nữa mất nước và sau này để giành được độc lập sẽ phải hy sinh rất nhiều xương máu của đồng bào, chiến sỹ. Ở thời điểm đó, bác Hồ đã dặn dò các đồng chí lãnh đạo cách mạng “bây giờ là lúc thời cơ đã đến, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”

Đó là những bài học mà chúng ta đã có được từ cuộc Cách mạng Tháng Tám và cần được phát huy trong cuộc đấu tranh sinh tử chống lại đại dịch COVID-19 để chúng ta sớm giành được thắng lợi.

Duy Khánh