Ngày 19/8/2005, chị Nguyễn Thị T sinh con ở BV Đa Khoa Hà Tĩnh và bị bệnh viện này xét nghiệm nhầm có dương tính với virus HIV. Năm 2008, một bệnh viện tại TPHCM cũng có kết quả xét nghiệm nhầm cho một thai phụ có dương tính với HIV.
Vào năm 2013, ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng thông báo về một trường hợp bệnh nhân bị kết luận nhầm có HIV do cơ sở khám chữa bệnh xét nghiệm không đúng mẫu máu.
Những ca xét nghiệm nhầm đã đem lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, trong đó có sản phụ bị hỏng thai, có sản phụ đòi tự vẫn vì quá sốc. |
Gần đây nhất, là sản phụ Lê Thị Oanh (21 tuổi, trú phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) cũng bị bệnh viện sản phụ thành phố Thanh Hoá xét nghiệm nhầm có dương tính với HIV. Những ca xét nghiệm nhầm đã đem lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, trong đó có sản phụ bị hỏng thai, có sản phụ đòi tự vẫn vì quá sốc.
Phân tích về vấn đề có những sai sót trong xét nghiệm, PGS.TS Hoàng Văn Sơn Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội hành nghề Y tư nhân Việt Nam cho rằng :”Có một số người hỏi tôi: tại sao xét nghiệm ở 2-3 nơi lại cho kết quả khác nhau? Điều này không phổ biến, nhưng có thật. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc chủ yếu ở người làm xét nghiệm, ở kỹ thuật, máy móc, hóa chất sử dụng. Có khi kết quả đúng nhưng đánh giá sai.
Ông Sơn đưa ra một phân tích, máy móc ở các phòng thí nghiệm tốt nhưng phải thường xuyên được kiểm tra, nếu không có thể sẽ dẫn đến sai hàng loạt. Trên thực tế, ở nhiều tuyến tỉnh, huyện, nơi mà trình độ ngoại ngữ (kỹ thuật viết bằng tiếng nước ngoài), trình độ tin học chưa cao; trong khi đó, kỹ sư máy lại không giỏi về kỹ thuật xét nghiệm nên đã dẫn đến việc xảy ra một số sai sót.
Ông Sơn đưa thêm một bất cập liên quan đến người làm xét nghiệm, người phụ trách phòng xét nghiệm và kiểm tra kết quả. Xét nghiệm y khoa phục vụ bệnh nhân thường gồm 4 lĩnh vực: Hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh trùng, tế bào. Hiện nay, bốn lĩnh vực này là bốn chuyên khoa khác nhau.
Người thuộc chuyên khoa này thường không thành thạo về chuyên khoa khác, sẽ gặp khó khăn khi điều hành chuyên khoa mà mình không sâu. Đây là một bất cập trong quản lý phòng xét nghiệm,chủ yếu ở tuyến tỉnh,huyện.
Một sai sót xét nghiệm như gây một tai nạn
Với kinh nghiệm của nhiều năm tham gia đào tạo, nghiên cứu và quản lý trực tiếp, PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - đơn vị mới nhất hiếm hoi xây dựng và vận hành hệ thống ISO 15189 theo chuẩn quốc tế chia sẻ về quy trình xét nghiệm đạt chuẩn. Theo bác sỹ Luật, quy trình này phải bắt đầu kể từ khi lấy mẫu theo chỉ định của người thầy thuốc qua thăm khám bệnh nhân, thực hiện xét nghiệm đến khi các kết quả được trả đến tay người thầy thuốc.
Quy trình gồm 3 giai đoạn: giai đoạn trước xét nghiệm, giai đoạn xét nghiệm và giai đoàn sau xét nghiệm.
Mỗi một sai sót trong xét nghiệm là một vụ tai nạn |
Giai đoạn trước xét nghiệm: gồm việc quyết định sử dụng xét nghiệm, chỉ định các xét nghiệm, gửi chỉ định đến phòng xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu đến khu vực xét nghiệm, nhận và bàn giao mẫu tại khoa xét nghiệm, xử lý mẫu ban đầu (ly tâm, bảo quản mẫu trước xét nghiệm…). Điều chú ý là ở giai đoạn này có thể gặp các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm cần phải được ghi chú chính xác như: tuổi, giới, chủng tộc, vấn đề ăn uống, béo phì, hút thuốc, uống rượu, uống cà phê, làm việc nặng, stress, tình trạng bệnh lý (suy giáp, đái tháo đường, suy thận, tắc mật, bệnh tim, …), tình trạng sử dụng thuốc (lợi tiểu, thuốc trị lao, propanolon, prednisolone, tránh thai, …), có thai, lấy nhầm mẫu, nhầm bệnh nhân, nhầm thuốc chống đông, …
Giai đoạn xét nghiệm: gồm việc đưa mẫu bệnh phẩm vào máy phân tích và thực hiện xét nghiệm một cách tự động. Ở giai đoạn này có thể gặp 2 sai sót: sai số ngẫu nhiên và sai số hệ thống. Sai số ngẫu nhiên có thể gây nên bởi thời gian lấy mẫu không phù hợp với xét nghiệm, sự khác nhau về nhiệt độ, pipet hút không chuẩn… Sai số hệ thống có thể do những thay đổi phụ thuộc vào thời gian chuẩn hóa dụng cụ xét nghiệm. Vì vậy, để kết quả xét nghiệm chính xác và xác thực, vấn đề quan trọng nhất trước khi thực hiện xét nghiệm là phải kiểm soát chất lượng xét nghiệm bằng nội kiểm tra chất lượng (IQC) hàng ngày và ngoại kiểm tra chất lượng (EQA) theo định kỳ.
Giai đoạn sau xét nghiệm: gồm việc thu lượm các kết quả xét nghiệm, đánh giá,duyệt kết quả và gửi kết quả đến tay người thầy thuốc để từ đó người thầy thuốc dựa các kết quả kết hợp với thực tế lâm sàng để chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt, đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng hoặc sàng lọc. Quá trình duyệt kết quả được kiểm soát bởi những cán bộ cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩhoặc giáo sư có kinh nghiệm lâu năm trong nghề kiểm soát kết quả. Kết quả được kiểm soát theo nhiều khâu như người quản lý máy xét nghiệm, trưởng nhóm xét nghiệm và chuyên giaduyệt kết quả lần cuối”
“Làm tốt được tất cả các giai đoạn trên, chất lượng xét nghiệm của đơn vị sẽ được bảo đảm chính xác và tin cậy, là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả cho bệnh nhân” – Bác sỹ Luật kết luận
PGS – TS Phạm Thiện Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Hoá sinh Y học Việt Nam kiêm Trưởng khoa hoá sinh Bệnh viện Bạch Mai cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn ISO 15189 đạt chuẩn quốc tế như bệnh viện Medlatec cũng phân tích thêm:”Xét nghiệm quyết định 70% quá trình khám xét, điều trị, tiên lượng cho bệnh nhân. Vì vậy, việc tuân thủ, kiểm soát toàn bộ 3 giai đoạn của quy trình xét nghiệm và các vấn đề liên quan đến xét nghiệm là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, máy móc và quy trình hiện đại đến đâu thì cũng con người sử dụng cũng cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định.
Các y, bác sỹ, nhân viên kỹ thuật phải tâm niệm:” Mỗi một sai sót trong xét nghiệm là một vụ tai nạn”” – Bác sỹ Phạm Thiện Ngọc chia sẻ.
Hạnh Thuý