Khi hàng Việt Nam xuất khẩu tới toàn cầu
Với độ mở bậc nhất thế giới (xuất nhập khẩu bằng 200%GDP), phụ thuộc rất lớn vào thị trường quốc tế, thì nền kinh tế được dự báo là dễ gặp rủi ro và dễ tổn thương khi các quốc gia phong tỏa và chia cắt.
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sôi động |
Tuy nhiên, càng về cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế càng sôi động và đạt những con số làm hài lòng những nhà phân tích kinh tế hoài nghi nhất.
“Tôi rất vui khi nghe trong điều kiện khó khăn trong năm 2020, chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Theo Bộ Công thương, năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên gần 544 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019; xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 10,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Mức thặng dư năm 2020 cao hơn năm 2019 (10,9 tỷ USD), cao hơn năm 2018 (6,8 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với 2017 (2,1 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với 2016 (1,8 tỷ USD).
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu gấp 4 lần bình quân thế giới.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu 2016-2020. Nguồn GSO |
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đến nay, Việt Nam tham gia đàm phán và đã ký kết 15 hiệp định Thương mại tự do (FTA), trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường thế giới.
Ông cho biết, EVFTA có quy mô kinh tế lên tới 30% GDP toàn cầu, các nền kinh tế trong khối RCEP cũng có quy mô tương tự như vậy. Chỉ cộng dồn hai khu vực này chúng ta đã thâm nhập vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60 % tổng GDP toàn cầu.
“Với cam kết cắt giảm thuế quan sâu rộng trong các hiệp định, sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của Việt Nam có cơ hội chưa từng có tiếp cận đến các thị trường”, ông nói.
Không chỉ mở cửa với thuế suất bằng 0, các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới còn bao gồm vô số các cam kết cải cách sau đường biên, phù hợp với những nỗ lực cải cách tự thân của Việt Nam.
Cải cách sâu rộng
Chẳng hạn, theo cam kết trong CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp nhà nước phải đặt trong môi trường cạnh tranh trên cả thị trường nội địa, thị trường các nước trong các hiệp định. Nhà nước không được ưu đãi, không cấp vốn, xóa nợ, bảo lãnh nợ, không bù chéo trong DNNN, kể cả DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền.
Về mua sắm chính phủ, đầu tư công do các cơ quan nhà nước mua sắm sẽ được áp dụng đấu thầu trong các nước thành viên. Phải minh bạch hóa trong đấu thầu, thiết lập hệ thống đấu thầu điện tử.
Công nhân cũng có thêm quyền thành lập công đoàn ở cơ sở, họ có quyền tham gia vào tổ chức công đoàn, liên kết hiệp hội công đoàn,…
Về thương mại điện tử và viễn thông, các quy định là rất mở và rộng, không chỉ giới hạn mua bán hàng hóa thương mại thuần túy mà là tất cả các giao dịch số.
Trong đó, nội dung cơ bản là tự do lưu chuyển lưu trữ thông tin mà không bị kiểm soát, ngăn chặn (những nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội). Không đánh thuế vào các giao dịch điện tử xuyên biên giới, và không buộc đặt máy chủ tại một địa điểm xác định, kể cả trên lãnh thổ một quốc gia.
Những cam kết cải cách bên trong và cơ hội chưa từng có để tiếp cận đến các thị trường rộng lớn toàn cầu đều rất tốt cho Việt Nam trong mọi trường hợp.
Với việc thành công mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế, giá trị thương hiệu quốc gia đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Đó là nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp, giữ vững ổn định vĩ mô và những dự báo tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế tới đây.
Tư Hoàng
Bước ngoặt phát triển kinh tế số từ phát biểu của Tổng bí thư
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Đại hội Đảng sáng 26/1 đã nhấn mạnh ”chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.