Học tiếng Bru - Vân Kiều được ví như “chiếc cầu nối” giúp người lính biên phòng và bà con dân bản trên địa bàn các đồn biên phòng luôn gần nhau hơn, góp phần cụ thể hóa chủ trương “Ba bám, bốn cùng”, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Lớp học tại đồn Biên phòng Hướng Lập được triển khai sớm và đã đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực hiện chủ trương về tổ chức học tập tiếng dân tộc và tiếng nước láng giềng của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), những năm qua, Đảng ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã cụ thể hóa bằng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch hằng năm chỉ đạo các đơn vị tổ chức học tập tiếng Bru-Vân Kiều và tiếng Lào.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập  thường xuyên tiếp xúc với bà con Bru - Vân Kiều chiếm tới 98% số dân của xã nên từ 2022 đều đặn vào 3 buổi tối mỗi tuần cán bộ,  chiến sĩ của đồn lại tập trung dạy và học ngôn ngữ của bà con để nắm được ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán từ đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tới bà con dễ dàng hơn.

Trung tá Hồ Văn Bình, Phó trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập được phân công giảng dạy ngôn ngữ Bru - Vân Kiều cho các cán bộ, chiến sĩ. Là người Bru - Vân Kiều nên anh Bình rất thuận lợi trong việc giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình.

Ngôn ngữ tiếng Bru - Vân Kiều đa âm, phần lớn đồng bào dân tộc trên khu vực biên giới chỉ lưu truyền bằng giao tiếp, còn chữ viết ra đời muộn và chưa được phổ biến rộng rãi. Do vậy, các tài liệu về chữ viết không nhiều, rất khó khăn trong khâu biên soạn giáo án. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc ở đây phải dùng từ mượn để thay thế vì nhiều từ cổ đã lâu không sử dụng. Vì vậy, để có giáo án lên lớp, đơn vị đã chủ động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, phối hợp tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, tập quán người Bru - Vân Kiều, thông qua các nguồn tư liệu có từ trước và thông qua trò chuyện với các già làng, trưởng bản, bậc cao niên, cán bộ tại địa phương để củng cố thêm kiến thức bổ sung vào giáo án huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ.

Mặc dù cán bộ, chiến sĩ chênh lệch về độ tuổi, quân hàm, chức vụ và đặc biệt là có những cán bộ tuổi cao, có thời gian công tác lâu năm nhưng tất cả đều nghiêm túc tham gia, vui vẻ, hứng thú, miệt mài, sôi nổi trao đổi, chú ý lắng nghe, không cảm thấy áp lực mà còn tìm thấy niềm vui, hứng thú từ việc học.
Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập luôn tích cực tham gia các buổi học ngôn ngữ Bru - Vân Kiều.
Giảng viên Hồ Văn Bình cho biết: Theo chỉ đạo của Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị tôi được giao nhiệm vụ dạy tiếng Vân Kiều từ năm 2022. Đến nay  cơ bản cán bộ, chiến sĩ đã phát âm được, đã nghe, hiểu được, trao đổi được với bà con Bru - Vân Kiều. Đặc biệt, khi hiểu được ngôn ngữ của bà con sẽ làm tốt hơn công tác vận động quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới.
Do ngôn ngữ Bru - Vân Kiều là đa âm nên quá trình học cũng gặp nhiều khó khăn.
Các tài liệu về chữ viết không nhiều, rất khó khăn trong khâu biên soạn giáo án, hệ thống chữ viết lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ.
Để bài giảng có chất lượng, các giáo viên được phân công giảng dạy không ngừng tìm tòi, đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, biên soạn giáo trình, thục luyện, thông qua giáo án, chuẩn bị nội dung sát với thực tế, gần gũi cuộc sống hằng ngày và đáp ứng được yêu, cầu nhiệm vụ công tác của BĐBP.

  

Với những cán bộ tuổi tương đối cao mất nhiều thời gian để thuộc được từ vựng hơn các chiến sĩ trẻ.
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Khánh Hòa luôn chăm chú, miệt mài trong các buổi học.
Sách vở sau giờ học được để ngăn nắp ở khu vực cuối phòng học.
Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đại tá Đinh Xuân Hùng mỗi lần lên làm việc tại Đồn Hướng Lập đều không quên thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới cho biết: “Với đặc thù nhiệm vụ của BĐBP, ngày đêm thường xuyên phải bám nắm địa bàn để xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên giới, nên việc nghe, hiểu, giao tiếp được tiếng Bru - Vân Kiều sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc.

Lê Anh Dũng