- Sốt xuất huyết là tên gọi bệnh lý do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan qua muỗi vằn Aedes aegypti, một phần nhỏ do loài muỗi cùng họ Aedes albopictus. 


Trong vòng 4-5 ngày, tối đa 12 ngày sau khi bị muỗi mang vi rút đốt, bệnh nhân biểu hiện những triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng bệnh nhân gặp phải bao gồm: sốt cao đột ngột (39 - 40 độ C), đau đầu dữ dội, đặc biệt đau sau hố mắt, đau cơ, khớp, kèm theo đó là buồn nôn, nôn, sưng hạch. Những triệu chứng này không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng khi nhiễm nhiều loài vi rút khác.

Hiện tại, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh sốt xuất huyết vẫn là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

{keywords}


Người bị sốt xuất huyết nhẹ có thể nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà mà không cần đến bác sĩ. Bệnh nhân nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, bù nước, điện giải bằng đường uống từ nước đun sôi, sữa, dung dịch oresol, nước trái cây...

Cần chú ý quan sát, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân khi sốt cao và ngay khi có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến tăng nặng của bệnh, phải kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể dùng thuốc giảm đau Paracetamol dạng đơn độc, liều dùng tùy theo lứa tuổi là an toàn nhất. 

Liều dùng thông thường là từ 325 - 650mg, cứ 4 - 6 giờ một lần, không quá 4g một ngày. 

Liều tương đối theo lứa tuổi như sau: 

Trẻ em < 3 tháng tuổi: 40mg; 
Trẻ 4 - 11 tháng tuổi: 80mg; 
Trẻ 1 - 2 tuổi: 120mg; 
Trẻ 2 - 3 tuổi: 160mg; 
Trẻ 4 - 5 tuổi: 240mg; 
Trẻ 6 - 8 tuổi: 320mg; 
Trẻ 9 - 10 tuổi: 400mg; 
Trẻ 11 tuổi: 480mg (trung bình 10-15mg/kg thể trọng). 

Những thuốc giảm đau hạ sốt nhóm giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) khác như Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Acid Mefenamic, Aspirin... do có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, khi uống gây nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết tạng nặng hơn nên không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Việc dùng kháng sinh với bệnh nhân sốt xuất huyết là điều hoàn toàn không cần thiết. Các thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn, trong khi nguyên nhân gây sốt xuất huyết bởi vi rút. Dùng kháng sinh không đúng cách ở bệnh nhân sốt xuất huyết thậm chí có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng người bệnh.

Một điều cần lưu ý khác nữa là không nên cạo gió cho bệnh nhân theo phương pháp dân gian vì cạo gió dùng lực và dầu nóng làm tổn thương cơ và giãn mạch sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân do có thể làm cho tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, bạn có thể hỏi thêm bác sĩ về vài điều cần lưu ý khác cho người mắc sốt xuất huyết trong vệ sinh cá nhân, ăn uống thường ngày và sinh hoạt vận động như thế nào cho tốt nhất và hiệu quả nhất cho việc hỗ trợ điều trị bệnh. 

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có hiện tượng bất thường khi mắc sốt xuất huyết để được điều trị kịp thời, đúng cách.

Thái Thị Hậu