CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 và hợp nhất 2019 với khá nhiều đáng chú ý.

Lợi nhuận sau thuế của Novaland vẫn ở mức 3,3-3,4 ngàn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm nhưng tài sản của doanh nghiệp này tăng rất mạnh, tăng đột biến thêm gần 21 ngàn tỷ đồng, từ mức 69,1 ngàn tỷ đồng cuối 2018 lên gần 90 ngàn tỷ đồng cuối 2019.

Mức tăng là khoảng 30%, trong đó tài sản ngắn hạn tăng 42% lên gần 71,3 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng vọt thêm 84% từ mức 31,1 ngàn tỷ đồng cuối 2018 lên 57,2 ngàn tỷ đồng vào cuối 2019, trong đó bất động sản đang xây dựng chiếm tới gần 90%.

Như vậy, biến động tài sản của Tập đoàn Novaland là rất lớn trong năm vừa qua. Chỉ trong một năm tài chính mà quy mô tài sản tăng thêm gần 1 tỷ USD, Novaland đã trở thành doanh nghiệp địa ốc lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (quy mô khoảng 197 ngàn tỷ đồng).

{keywords}
 

Sở dĩ tài sản của Novaland tăng mạnh chính là nhờ lượng hàng tồn kho tăng vọt (tăng khoảng 26 ngàn tỷ đồng so với năm trước đó), và đó chính chủ yếu do tăng các dự án mua mới trong năm.

Cũng theo báo cáo, Novaland có nợ xấu gần 10,3 ngàn tỷ đồng, là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển Nhà Hoàng Phúc.

Trong năm 2019, Novaland ghi nhận tổng nợ đạt 65,5 ngàn tỷ đồng, trong đó vay dài hạn gần 27 ngàn tỷ đồng (vay ngân hàng gần 20 ngàn tỷ đồng) và vay ngắn hạn hơn 7,6 ngàn tỷ đồng (vay ngân hàng gần 1,6 ngàn tỷ đồng).

Hồi tháng 11/2019, Novaland thông báo về việc huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế có bảo đảm trị giá 250 triệu USD với Credit Suisse AG (Singapore) là tổ chức thu xếp và dựng sổ chính (OMLAB) đầu tiên của giao dịch này. Các Ngân hàng Industrial & Commercial Bank of China, Taichung Commercial Bank, Taiwan Business Bank và Taiwan Cooperative Bank cùng tham gia với vai trò tổ chức thu xếp và dựng sổ (MLABs) tiếp theo trong quá trình hợp vốn.

{keywords}
Hàng tồn kho tăng vọt.

Novaland hiện tập trung phát triển phân khúc BĐS trung cao cấp, với 3 dòng sản phẩm chủ lực, bao gồm: Đô thị/khu nhà ở tại TP.HCM, nhóm BĐS khu đô thị vệ tinh tại các tỉnh lân cận TP.HCM và BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn như: Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa,...

Cổ phiếu NVL của Novaland giảm khá mạnh trong khoảng 6 tháng qua, từ mức 64.000 đồng/cp xuống còn 53.600 đồng/cp như hiện tại, tương đương giảm khoảng 19%.

2019 cũng là năm Novaland thực hiện hàng loạt thương vụ M&A tỷ đô, trong đó có 3 thị trường được cho là tiềm năng là: Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.

Cũng trong năm 2019, Novaland có nhiều sự kiện thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Món quà cuối năm bằng việc phát hành hơn 18,6 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động công ty (ESOP) , tương đương 2% cổ phiếu lưu hành đã giúp những người được mua được hưởng phần chênh lên tới hơn 800 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Novaland được mua 800 ngàn cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức giá 55.000-60.000 đồng/cp giao dịch trên thị trường khi đó, thu một khoản chênh lệch trị giá khoảng 40 tỷ đồng.

{keywords}
Novaland tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng.

Hồi tháng 11/2019, bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn, cũng đã bơm ngàn tỷ mua cổ phiếu hơn 13 triệu cổ phiếu Novaland.

Novaland là một công ty phát triển các dự án bất động sản nổi tiếng ở khu vực phía Nam. Doanh nghiệp này gần đây đang đẩy mạnh sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt khoảng 1 tỷ USD, vốn hóa khoảng 2,2 tỷ USD.

Hiện Novagroup và Diamond Properties sở hữu 31% cổ phần Novaland. Đây đều là 2 công ty của gia đình ông Nhơn. Ông Bùi Thành Nhơn trực tiếp nắm giữ hơn 20,53% cổ phần Novaland, vợ nắm 1,614%; con trai nắm 4,433%.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 6/1 chỉ số VN-Index tăng điểm nhẹ theo diễn biến tích cực trên TTCK thế giới. Tuy nhiên, giao dịch khá chậm. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo MBS, phiên giảm nhẹ hôm qua không phải là quá tệ mặc dù thị trường có phần ngược dòng so với chứng khoán toàn cầu. Đây chỉ là phiên chốt lời sớm khi lượng hàng hơn 4.000 tỷ đồng bắt đáy ở phiên ngày 3/2 về tài khoản trong phiên 6/2. Một phiên dao động trong biên độ hẹp kèm thanh khoản không quá cao sẽ là kịch bản đẹp đối với phiên ngày mai, thị trường vẫn đang trong quá trình test đáy với ngưỡng hỗ trợ ở khu vực 900 - 925 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/2, VN-Index giảm 3,18 điểm xuống 925,91 điểm; HNX-Index tăng 0,61 điểm lên 103,19 điểm. Upcom-Index tăng 0,46 điểm lên 55,21 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà