- Đại diện cho tiếng nói của công chúng và có mặt rộng khắp trên toàn cầu, thế nhưng không có nhiều tư liệu phân tích về nghề nghiệp báo chí. Những cuốn sách dưới đây với bản dịch tiếng Việt là những chắt lọc của một nền văn hóa đọc và tri thức cho người làm báo...


Nghề báo: Nghề nguy hiểm - Tác giả: Trần Tiến Duẩn



".. Để che giấu sự thật, các băng nhóm tội phạm đã không ngần ngại xuống tay sát hại các nhà báo. Có thể nói trong bối cảnh xã hội ngày nay, các nhà báo có thể bị hãm hại ở bất cứ khu vực nào trên thế giới.

Đặc biệt với các phóng viên chiến trường và phóng viên chuyên viết điều tra, hàng trăm nhà báo đã bị sát hại trong khi đang tác nghiệp trong hơn môt thập kỉ qua. Chiến trường Iraq đã trở thành vũng lầy đẫm máu nhất đối với các nhà báo kể từ cuộc chiến ở Bosnia đầu những năm 90 ".

Cuốn sách mang tính tổng quan này cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu về hoạt động của nhà báo trong nước cũng như trên thế giới trong những thập niên phát triển rầm rộ của thông tin. Các con số và tư liệu  chính xác đến tên tuổi địa điểm và ngày giờ cho biết nghề báo hiện vẫn là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới với các hoạt động thông tin tri thức.
 
Truyền thông đại chúng: Từ thông tin đến quảng cáo - Tác giả: Jacques Locquin



Ít có ngành nghề nào lại có mặt ở khắp nơi và bị chỉ trích nhiều trong xã hội đương đại như nghề làm báo. Cuốn sách này sẽ nói về sự thích ứng kép của nghề báo trong xã hội hiện đại.

"..Trong tình hình phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, xã hội công dân đã biến nhà báo thành một loại người làm đủ mọi việc. Anh ta, lần lượt từ một người giữ vị trí trung gian, đến một nhà quan sát, một nhà giáo, một người có quyền xét xử, và một đối trọng cần thiết để bảo vệ dân chủ... Từ thế kỉ XX, nghề báo đã buộc phải đáp ứng những đòi hỏi về truyền thông của một xã hội mới trong đó sự thao túng của tiêu dùng và quảng cáo đóng vai trò chủ yếu. Mặc dù vậy, cuốn sách cho biết, "nghề làm báo vẫn luôn phải trung thành với sứ mệnh kép của mình."

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí xuất bản - Tác giả: Hồ Chí Minh



Từng là người sáng lập, đồng thời là một cây bút xuất sắc của báo Người cùng khổ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ báo chí cách mạng Việt Nam nhiều lời khuyên cũng như kinh nghiệm quý báu trong nghề báo. Nổi tiếng với tư duy "viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì?", phương thức viết và lối tư duy báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh cực kì cơ bản và gần gũi với người dân. Người quan niệm, cầm bút cũng là chiến đấu để bảo vệ cách mạng và độc lập dân tộc.

Nhà báo hiện đại - Missouri Group



Cuốn sách được xuất bản bởi tập đoàn Missouri Group là một trong những cuốn sách đầu tiên có mặt tại Việt Nam đề cập đầy đủ đến những kĩ năng làm báo hiện đại trên thế giới. Phát hành vào thời điểm năm 2007, khi mà báo chí còn đang trong thời kì dọn đường cho một thập kỉ phát triển mạnh mẽ của truyền thông, cuốn sách cung cấp nhiều kĩ năng và mẹo mực thiết thực giúp người cầm bút trong nước cùng sánh vai với sự trui rèn của các đồng nghiệp khắp năm châu. Chỉ sau vài tháng phát hành, cuốn sách đã được bán hết veo trên thị trường thời điểm đó.

Thư gửi nhà báo trẻ - Tác giả: Samuek G. Freedmand



"Một trong những cạm bẫy lớn nhất đối với một nhà báo trẻ là cảm xúc, dù cho đó là cảm xúc tội lỗi hay cảm xúc của lòng trắc ấn" - tác giả Samuek G. Freedmand đã viết như thế trong lời dẫn nhập cuốn sách của mình. Trong khi ngày càng có nhiều người trẻ muốn tham gia vào thị trường truyền thông và báo chí, một cuốn sách hướng dẫn về những cảm xúc đa dạng trong nghề báo là điều vô cùng cần thiết.

Ảnh báo chí - Tác giả: Brian Horton



Một cuốn sách được biên dịch từ hãng thông tấn nổi tiếng Associated Press (AP) đã cho thấy sức mạnh và sức ảnh hưởng của hình ảnh bên cạnh những con chữ mô tả về sự kiện. Ngày nay, hình ảnh cũng quan trọng như từ ngữ, và thậm chí còn cô đọng hơn - việc tạo ra một bức ảnh biết tường thuật không chỉ đơn giản là năng khiếu hay sự nhạy cảm, mà còn là quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, bám sát sự kiện và học tập không ngừng.

Hồ Hương Giang