Khỉ Bonono nổi tiếng vì hành vi tình dục bừa bãi, tức là sẵn sàng "quan hệ" không phân biệt đối tượng già - trẻ, lớn - bé hay đực cái. Tuy nhiên, hành vi này thường được sử dụng vì một mục đích vô cùng cao cả: xoa dịu căng thẳng hoặc hóa giải bất hòa trong bầy đàn.
1. Săn mồi bằng cách gõ vào thân cây
Khỉ Aye-aye, một loài vượn cáo có nguồn gốc từ quần đảo Madagascar, khác rất nhiều so với những loài họ hàng gần gũi nhất của chúng. Khỉ Aye-aye sở hữu một ngón tay dài, xương xẩu ở mỗi chi trước. Chúng sử dụng những ngón tay này để gõ vào các cành và thân cây nhằm nghe ngóng tiếng các ấu trùng của côn trùng bên trong. Sau đó, chúng sẽ cắn thủng lớp vỏ cây và sử dụng các ngón tay xương xẩu để moi móc con mồi ra ngoài. Về cơ bản, cách kiếm ăn của chúng có phần nào đó tương đồng với loài chim gõ kiến.
2. Dùng đá bằng nửa trọng lượng cơ thể để đập vỡ thức ăn
Ngoài con người, tinh tinh có thể là loài động vật linh trưởng nổi tiếng nhất về khả năng sử dụng công cụ. Tuy nhiên, chúng không phải là loài động vật linh trưởng duy nhất biết làm điều này. Ở Brazil, loài khỉ capuchin có râu thường đặt trái cọ lên một phiến đá lớn, bằng phẳng và sử dụng một hòn đá nhỏ hơn, có thể nặng bằng 1/3 – ½ trọng lượng cơ thể chúng – để đập nát lớp vỏ ngoài của trái cọ. Giữa mỗi lần đập, chúng sẽ kiểm tra trái cọ và đặt lại vị trí của nó nếu cần thiết. Những con khỉ capuchin con học kỹ năng này từ mẹ của chúng.
3. Rú rít để đánh giá đối thủ tiềm năng
Cá thể đực thuộc các loài động vật linh trưởng phải liên tục cạnh tranh để giao phối, nhưng việc dấn thân vào các cuộc giao chiến liên miên có thể rất nguy hiểm và đôi khi khiến chúng mất mạng. Nhiều loài, do đó, đã sử dụng tiếng kêu của chúng để bảo vệ lãnh địa, kể cả loài khỉ rú sinh trưởng tự nhiên ở Trung và Nam Mỹ. Tiếng rú của loài khỉ này có thể vang xa tới 5km. Phụ thuộc vào tiếng rú hồi đáp từ các cá thể khác, chúng sẽ quyết định xem liệu mình có muốn xúc tiến một trận đọ sức thực sự hay không.
4. Ức chế sự rụng trứng của cá thể cái cùng loài
Các cá thể cái thống lĩnh ở loài khỉ tamarin và khỉ đuôi sóc sẽ ức chế sự rụng trứng ở những cá thể cái khác cùng loài. Đây không phải là hành động có ý thức, mà là hành động xảy ra một cách tự nhiên thông qua sự giải phóng các hoóc môn ở cá thể cái chiếm ưu thế. Khỉ tamarin và khỉ đuổi sóc cũng là các chủng tộc động vật linh trưởng duy nhất thường xuyên sinh đôi. Các thành viên khác trong bầy đàn của chúng, kể cả các cá thể đực, sẽ thường xuyên hỗ trợ việc cõng và chăm sóc khỉ sơ sinh.
5. Sở hữu mắt to bằng não
Trong tất cả các động vật linh trưởng trên thế giới, loài khỉ chuyên hoạt động về đêm Tarsier, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nhiều khả năng sở hữu diện mạo giống sinh vật ngoài hành tinh nhất. Nếu con người cũng có mắt đạt tỉ lệ kích thước so với khuôn mặt giống như chúng, mắt của chúng ta phải to ngang quả bưởi. Các mắt của khỉ Tarsier cố định trong hốc mắt, đồng nghĩa với việc chúng phải xoay đầu để nhìn xung quanh mình. Điều đặc biệt là, những con khỉ này có thể xoay tròn đầu gần 180 độ theo bất kỳ hướng nào giống như chim cú.
6. Sử dụng tình dục để xoa dịu căng thẳng
Khỉ Bonono hay còn được gọi là tinh tinh pygmy được biết đến như một loài sở hữu "hành vi tình dục phi nhận thức", đồng nghĩa với những con khỉ sẵn sàng làm "chuyện ấy" với bất kỳ cá thể cùng loài nào, không phân biệt tuổi tác hay giới tính, trong cộng đồng của chúng. Một điểm rất khác với loài họ hàng to lớn hơn của chúng - tinh tinh - là, các con khỉ Bonobo đực hiếm khi đánh nhau để giành quyền tiếp cận những con cái. Thay vào đó, tất cả các thành viên trong đàn sử dụng việc giao phối như một cách để hóa giải căng thẳng trong cộng đồng, cho phép chúng cộng tác và không gây hấn với nhau.
7. Thụ phấn cho cây cối
Một số loài khỉ uacari và tamarin gần như sống dựa hoàn toàn vào mật hoa nếu xung quanh chúng không có trái cây. Và khi chúng trích rút mật hoa từ những cây này, lông của những con khỉ sẽ dính phấn hoa và giúp cây nảy mầm ở các môi trường sống mới. Một số loài thực vật thực tế đã biến đổi để thích nghi với sự thụ phấn của các động vật có vú, thay vì nhờ chim hay côn trùng.
8. "Khiêu vũ" bằng hai chân khi di chuyển trên mặt đất
Sifaka, loài vượn cáo to lớn ở Madagascar, dành phần lớn thời gian của chúng trên cây. Các động vật linh trưởng này thường di chuyển bằng cách bật nhảy giữa các cành cây và thân cây. Vào những lúc phải tụt xuống mặt đất, Sifaka di chuyển theo kiểu "phi nước đại bằng 2 chân", trong đó các chi sau của chúng đi khệnh khạng còn các chi trước thì giơ lên cao trong không khí nhằm giữ thăng bằng. Dù điệu bộ này trông khá hài hước, nhưng đây thực tế là cách di chuyển trên mặt đất tối ưu của loài Sifaka, giúp chúng giảm thiểu nguy cơ bị các kẻ thù ăn thịt tóm được.
9. Phát triển mảng da trần trên đuôi như "chi thứ năm"
Trái ngược với quan niệm phổ biến lâu nay, chỉ có một vài giống khỉ được trời phú cho cái đuôi có khả năng cầm nắm vật. Khỉ nhện, khỉ rú, khỉ len và muriquis thay vào đó lại có các mảng da trần trên đuôi, giúp chúng bám chắc vào cây cối, cầm nắm vật và nhìn chung sử dụng như "chi thứ năm".
10. Tiến hóa mặt đỏ để hút bạn tình
Đối với con người, khỉ hói uacaris không phải là loài động vật linh trưởng sở hữu diện mạo ưa nhìn. Tuy nhiên, khuôn mặt đỏ rực của chúng có thể đóng vai trò như dấu hiệu bộc lộ tình trạng sức khỏe. Những con khỉ bị sốt rét hoặc mắc các bệnh khác sẽ có khuôn mặt xanh xao. Vì vậy, khuôn mặt đỏ ửng có thể là công cụ giúp khỉ hói uacaris tiếp thị bản thân là khỏe mạnh trước các bạn tình tiềm năng.
Tuấn Anh