Hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm
Tuyến nước bọt là nơi để tạo ra nước bọt, tiết nước bọt, giúp tiêu thụ thức ăn bằng cách nhai và nuốt, làm sạch vùng miệng.
Theo BS Đinh Hữu Tâm, khoa Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), khối u tuyến nước bọt là loại hiếm gặp, có ở trong tuyến nước bọt tại khoang miệng, chiếm ít hơn 10% của tất cả các khối u đầu và cổ.
Ung thư tuyến nước bọt chiếm từ 3-6% các loại ung thư đầu cổ; gồm ung thư các tuyến nước bọt chính (tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi) và ung thư tuyến nước bọt phụ. Ung thư tuyến mang tai là loại hay gặp nhất.
Bác sĩ Tâm cho hay bệnh này xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.
Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận, điều trị trường hợp nữ bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt dưới hàm giai đoạn 4, tiên lượng sau mổ không khả quan do đến viện quá muộn.
Bệnh nhân nói bà biết mình có khối u vùng dưới hàm phải 10 năm nay. Khối u to dần lên âm thầm, vì không thấy khó chịu hay đau đớn nên bà không khám.
Đến khi thấy u to lên nhanh, lại có dấu hiệu không di động thì bà mới đi viện và bất ngờ biết bị ung thư giai đoạn cuối. Nữ bệnh nhân phải phẫu thuật cắt rộng u, tạo hình lại vùng dưới hàm do u xâm lấn rộng ra da và xạ trị sau mổ.
Nhận biết ung thư tuyến nước bọt
Kết quả nghiên cứu của nhóm 4 bác sĩ Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K công bố mới đây cho thấy, trong 66 bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt chính điều trị ở Bệnh viện K tham gia khảo sát, có bệnh nhân chỉ mới 16 tuổi.
Họ vào viện chủ yếu do phát hiện u tại tuyến nước bọt chính. Trong đó, gần 80% bệnh nhân phát hiện u tại tuyến mang tai; gần 17% phát hiện u tuyến dưới hàm; số còn lại vào viện do liệt dây VII, hạch cổ. Có những trường hợp phát hiện bệnh qua việc khám sức khỏe định kỳ.
BS Tâm cho hay phần lớn ung thư tuyến nước bọt phát sinh từ tuyến nước bọt mang tai và dưới hàm, biểu hiện bằng khối sưng phồng trong tuyến nước bọt.
Nếu bị ung thư tuyến mang tai, bệnh nhân thường đau nhức vùng trước hay trong tai; đau khi nhai, há miệng ngáp; mất cảm giác hoặc khó mở hàm, há miệng. Các triệu chứng nghi ngờ như u phát triển nhanh, liệt thần kinh mặt, u di động kém, hạch bạch huyết sưng to.
Nếu mắc ung thư tuyến nước bọt dưới hàm như nữ bệnh nhân trên đây, người bệnh thường có biểu hiện một khối ở trước cổ không đau, nếu đau thường là tổn thương viêm. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn như: ít di động, xâm lấn da, liệt thần kinh mặt, hạch sưng to.
Bệnh nhân bị ung thư tuyến nước bọt dưới lưỡi thường biểu hiện bằng một khối ở sàn miệng.
Một số các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt cũng có thể do khối u lành tính ở tuyến này (không phải ung thư) hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu sau, người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa ung bướu:
- Có cục hoặc sưng trong miệng, má, hàm hoặc cổ
- Đau ở miệng, má, hàm, tai hoặc cổ mà không đỡ
- Có khác biệt giữa kích thước và/hoặc hình dạng của bên trái và bên phải của khuôn mặt hoặc cổ trước khi có khối u
- Tê ở một phần khuôn mặt; Có yếu các cơ một bên mặt
- Khó mở miệng rộng hơn, khó nuốt
- Có dịch bất thường chảy ra từ tai
Hy vọng cho bệnh nhân ung thư: 12 khối u khắp cơ thể vẫn chữa khỏi
Ba cảm giác khó chịu khi ngủ cảnh báo nguy cơ ung thư đang đến