Trong số những kinh nghiệm lái xe ngày mưa / ngày triều cường thì điều đầu tiên là "tránh voi không xấu mặt nào". Nếu có thể, hãy chủ động thay đổi lịch di chuyển để tránh vận hành xe vào ngày mưa.
Nếu buộc phải ra ngoài, trước khi di chuyển hãy dành ra một vài phút để kiểm tra một vài bộ phận thiết yếu của xe như: Đèn chiếu sáng, phanh, lốp, gạt mưa... để đảm bảo không gặp sự cố giữa đường.
Trước khi đi, nên chủ động tìm kiếm tuyến đường tối ưu nhất bằng ứng dụng bản đồ dẫn đường hoặc các kênh truyền thông như VOV giao thông... tránh di chuyển vào khu vực tắc đường hay mưa ngập.
Khi di chuyển trong mưa, nên sử dụng đèn chiếu gần bên cạnh đèn demi. Điều này giúp đảm bảo các phương tiện khác có thể nhận ra xe của bạn nhanh nhất, vì khi trời mưa tầm quan sát sẽ bị giảm nghiêm trọng.
Cân nhắc sử dụng các tính năng hỗ trợ sẵn có trên xe, bao gồm sấy / sưởi mặt gương, sấy kính trước hay sưởi kính sau; để luôn đảm bảo tầm nhìn tối ưu nhất. Nếu xe không trang bị sấy kính, có thể sử dụng kem đánh răng hay chai xịt hoặc miếng dán chống nước cho gương. Khi lái xe lên / xuống dốc hầm đỗ xe hoặc trung tâm thương mại, nên sử dụng tính năng hỗ trợ đổ đèo.
Trời mưa sẽ khiến mặt đường trơn trượt, giảm độ bám của lốp. Do đó tài xế nên tránh việc thay đổi trạng thái vận hành xe đột ngột. Cụ thể là không nên đạp ga mạnh, phanh gấp hay đánh lái đột ngột vì dễ khiến xe trượt, gây mất kiểm soát.
Trong trường hợp này, tốt nhất nên chuyển về các cấp số thấp, chủ động giữ tốc độ chậm và chạy đều chân ga. Đặc biệt, nên giữ khoảng cách an toàn lớn hơn bình thường đối với các xe đi phía trước để tránh sự cố bất ngờ.
Nếu di chuyển trên cao tốc, nên cân nhắc chạy ở làn giữa để có thêm không gian xử lý trong trường hợp gặp sự cố bất ngờ. Đồng thời, tránh đi gần các xe lớn như xe đầu kéo, xe tải hạng nặng hay xe khách giường nằm.
Nên tránh băng qua những vũng nước lớn. Việc này giúp tài xế đạt được 2 lợi ích: Đầu tiên không gây bắn nước ra xung quanh, ảnh hưởng tới người đi bộ hoặc trong trường hợp hy hữu là làm chắn tầm nhìn của xe khác (bắn lượng lớn nước lên kính lái xe khác, gây "mù" tạm thời).
Tiếp theo, tài xế không thể nắm rõ độ sâu của vũng nước là bao nhiêu. Nếu đó là một ổ voi chênh lệch với mặt đường trên 10cm, chắc chắn hệ thống treo và hệ thống lái của xe sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng khi băng qua ở tốc độ cao. Chưa kể hành khách trên xe sẽ phải chịu những cú thúc rất khó chịu.
Nếu buộc phải di chuyển qua các đoạn đường ngập sâu, hãy chạy thật chậm để nước không dâng lên quá mặt ca-lăng và tràn vào cổ hút. Bởi đây rất có thể là nguyên nhân gây nên hiện tượng thủy kích xe ô tô.
Một vài tài xế có nhiều kinh nghiệm chia sẻ có thể cân nhắc lùi xe, thay vì chạy thẳng, để tránh nước tràn vào khoang máy. Tuy nhiên đây là điều rất không nên thực hiện. Thứ nhất khi lùi, tầm nhìn của người lái sẽ cực kỳ bị hạn chế. Thứ hai, kể cả nước không lọt vào động cơ nhưng cũng sẽ gây hư hại các bộ phận khác.
Tốt nhất nếu mực nước vượt quá 2/3 bánh xe, tài xế nên lựa chọn dừng lại, thay đổi tuyến đường khác để tránh đoạn mưa ngập. Trong trường hợp này chắc chắn "quay đầu là bờ".
Trong trường hợp xe đang chạy qua đoạn ngập nước mà bị tắt máy đột ngột, tuyệt đối không nên cố khởi động lại. Vì tất có thể nước đã lọt vào buồng đốt của động cơ, gây thủy kích. Tốt nhất hãy nhờ xe khác kéo ra hoặc gọi xe cứu hộ về gara. Nên thay dầu nhớt và kiểm tra chuyên sâu ngay lập tức.
Trong trường hợp đã tới điểm đến hoặc tạnh mưa, nên rửa xe để tránh nước ăn mòn các chi tiết kim loại. Bởi nước mưa thông thường mang theo nhiều tạp chất có tính axit hoặc chất bẩn khó vệ sinh nếu để lâu. Khi rửa chú ý xịt thật kỹ phần gầm xe, càng bánh xe, hốc lốp và khu vực đĩa phanh.
Ngoài ra, cũng nên chăm sóc nội thất cho xe sau những ngày mưa. Bởi khi hành khách ra / vào xe, chắc chắn sẽ để lại những vết bẩn và đọng nước ẩm trên bề mặt da ghế và sàn xe. Điều này có thể gây ra nấm mốc độc hại.
Theo VOV
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!