Năm 2022 - năm đầu tiên thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình đề ra phương hướng xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ đô thị. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM theo chiều sâu, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tập trung ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển và các xã còn lại hoàn thành tiêu chí NTM. Không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM chuẩn các mức, trong đó tập trung ưu tiên cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư vùng nông thôn. 

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tối 27/11, đúng Lễ kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan (1862-2022), huyện đã tổ chức đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nho Quan là miền đất cổ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các huyện, thành phố khác của tỉnh, địa hình rộng, dân cư sống thưa thớt. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Nho Quan đã có bước tiến vượt bậc.

Là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Trung ương và của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, huy động các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế.

Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Điểm nổi bật là huyện đã xác định rõ vai trò chủ thể của nhân dân và khơi gợi tinh thần hướng về cội nguồn của con em xa quê.

Riêng trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, toàn huyện cơ bản đạt chuẩn tiêu chí sản xuất, tăng 10 xã so với năm 2015.

Đến nay, toàn huyện có 29 tổ hợp tác với 412 thành viên; 12 hợp tác xã với 185 thành viên tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả, như: hợp tác xã trồng nấm xã Gia Tường; hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Văn Phong; hợp tác xã măng tây Kỳ Phú; hợp tác xã nuôi hươu Kỳ Phú…

Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường học, Nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư nâng cấp. Người dân tích cực đóng góp xây dựng các Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Nếu như đến năm 2020 chỉ có 10 thôn, bản đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, thì đến nay đã có 37 thôn.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 6 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm trên 15%. Nhân dân các xã đã hiến, góp trên 54 ha đất thổ cư, đất 313, tự nguyện phá dỡ hàng nghìn công trình, tường rào; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xóm, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Để có được kết quả này, Nho Quan đã tận dụng tối đa được nguồn lực đầu tư từ các cơ chế, chính sách trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu năm 2021 - 2025, huyện Nho Quan có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, 26 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 48,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%…”,

Nhìn lại chặng đường trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ những khó khăn, điểm xuất phát của nhiều địa phương thấp, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, sự linh hoạt sáng tạo của chính quyền địa phương, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân, bức tranh nông thôn ở Nho Quan đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Sự sung túc, đầy đủ hiện lên trong mỗi nếp nhà.

Minh Yến