Những người như cố GS Tạ Quang Bửu, cố GS Lương Định Của... đều không dành ưu đãi đặc biệt gì cho con cái, mà động viên con thực hiện nghĩa vụ quân sự xong rồi mới tiếp tục học lên cao.

Cố GS Tạ Quang Bửu (1910–1986) là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

  {keywords}
  GS Tạ Quang Bửu

Ông có 6 người con. Mặc dù ông đã từng quyết định cử hàng chục nghìn học sinh đi du học ở nước ngoài nhưng đối với con cái, giáo sư không dành cho ưu đãi đặc biệt gì. Tất cả các con trai của giáo sư đều hoặc đi làm công nhân, hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, rồi mới tiếp tục học đại học trong nước.

 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự án Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi ngày 14/8/14, đại biểu dẫn con số từ báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho thấy, 80% lượng người nhập ngũ hàng năm đều là nông dân, lao động nghèo. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia quân đội là 14%. Đáng chú ý, con em của cán bộ, công chức và những gia đình có điều kiện tham gia nghĩa vụ quấn sự chỉ chiếm 4,94%. (Nguồn: Báo Tin Tức ngày 21/11/2014)

Trong bài viết “Chuyện gia đình của nhà trí thức xuất sắc của đất nước: GS Tạ Quang Bửu” đăng trên Ngày nay, Thiếu tướng Tạ Quang Chính Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, con trai cố GS Tạ Quang Bửu kể lại:

“Trung thực là đức tính đầu tiên, đức tính được đặt lên hàng đầu mà bố mẹ dạy chúng tôi. Trước hết là trung thực với bản thân mình, trung thực với gia đình, bạn bè, đồng chí… Thứ hai là trách nhiệm, chịu trách nghiệm với chính bản thân mình, với gia đình mình, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc. Những đức tính này đòi hỏi tính tự giác rất cao, tự giác và tự chịu trách nhiệm. Suốt cả cuộc đời, bố mẹ luôn là tấm gương sáng về sự trung thực và có trách nhiệm với gia đình cũng như mọi việc mình làm…”, Thiếu tướng Tạ Quang Chính tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Trường ĐH Bách khoa. Bấy giờ GS Tạ Quang Bửu đang làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông hỏi Chính “Nguyện vọng của con thế nào? Hay con đi bộ đội cho việc rèn luyện tốt hơn?”. Tạ Quang Chính nghe theo lời bố  vào bộ đội, kết quả thi đậu vào Đại học Bách khoa được bảo lưu, hai năm sau, anh mới trở về học đại học.

Cố GS Lương Định Của (1920 - 1975) là một nhà nông học, nhà tạo giống của Việt Nam.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, Lương Hồng Việt là người con trai lớn của GS Lương Định Của. Lương Hồng Việt học Đại học Nông nghiệp, ra trường 1968, về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cũng chỉ ăn bo bo, mì luộc, ở giường tầng, đi cày, đi bừa, đi cấy, gánh phân như ai.

{keywords}
GS Lương Định Của

Cùng cơ quan, thỉnh thoảng anh Việt có lên phòng bố nghe đài ké với ba đứa em. Hễ nghe tiếng ô tô từ ngoài cổng thường trực thì đài trong nhà cũng tắt tiếng.

Anh Việt có người yêu là cháu của Phó Chủ tịch huyện Gia Lộc. Chị là người Hải Dương nhưng làm trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội), đồng nghiệp với bà Của ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai bên gia đình ra sức tác hợp, mai mối cho họ.

Anh Việt lúc đó chưa có xe đạp riêng còn ông Của thì có cái commăngca đít tròn cũ để đi lại. Thế mà từ Hải Dương về Hà Nội nếu có họp ông Của cũng không bao giờ cho Việt đi theo. Ông thường bảo: “Xe này Nhà nước trang bị cho bố đi công tác chứ không phải cho con. Con làm được tiền thì đi xe đạp còn không làm được thì đi bộ hay nhờ bạn bè đèo ra đường 5 mà bắt xe ô tô về Hà Nội”.

Ngoài lý do muốn con mình cũng như mọi cán bộ khác ông còn muốn giành chỗ trống ít trong xe cho những người phụ nữa, trẻ em con của cán bộ đi cùng.

Năm 1975, ông Của cử ba cán bộ của Viện dự thi nghiên cứu sinh nước ngoài trong đó có Lương Hồng Việt, rủi thay cả ba đều trượt. Thực hiện chính sách công bằng xã hội, ông vận động Việt đi nghĩa vụ quân sự trong khi hai người trượt khác được thi tiếp nghiên cứu sinh nước ngoài lần hai vào năm sau....

Cố GS, TS Phạm Đức Dương (1930 - 2013) là một chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học ở Việt Nam.

Trong một bài trò chuyện trên Inspiring Youths,  GS Dương cho biết: “Tôi giảng dạy đại học 30 năm, lại không hề buồn khi con trai mình trượt đại học Con trai tôi thi không đỗ đại học, tôi không buồn lo. Tôi hướng cho con tôi đi công nhân. Nó học nghề hai năm thành thợ hàn bậc 4/7 tham gia xây dựng cầu Chương Dương. Sau đó, nó đi nghĩa vụ quân sự ba năm rồi ra quân vào làm thợ máy trong Viện nghiên cứu Đông Nam Á.

{keywords}
GS Phạm Đức Dương

Từ anh thợ máy nó thi vào đại học tại chức, rồi từ tấm bằng tại chức được chuyển đổi thành Đại học chính quy, từ tấm bằng chính quy nó thi cao học. Nó đậu cao học và trở thành thạc sỹ. Từ thạc sỹ, con tôi lại làm nghiên cứu sinh và sắp trở thành tiến sỹ. Nó đang là phó phòng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á.

Con gái tôi cũng trượt Đại học, tôi cho vào học Cao đẳng Sư phạm ở Đà Lạt. Tốt nghiệp thành cô giáo, cũng từng xung phong vào vùng sâu vùng xa xóa mù, sau đó được điều về làm chánh văn phòng huyện ủy và sau trở thành hiệu trưởng một trường ở Đà Lạt …

Từ câu chuyện lập nghiệp của hai đứa con tôi, tôi nghiệm ra rằng, có rất nhiều con đường để đến với giảng đường đại học, có đường thẳng, có đường vòng và có những đường khúc khuỷu, quanh co nhưng nếu có ý chí thế nào cũng sẽ đi đến đích. Trượt đại học không phải là thảm họa, một cánh cửa này khép lại sẽ có cảnh cửa khác mở ra. Suy cho cùng thì cuộc sống chính là trường đại học chân chính nhất…".

Nghệ sĩ nhập ngũ

Thời gian gần đây, số lượng nghệ sĩ Việt đã từng tham gia quân ngũ khá hiếm hoi. Một trong số không nhiều đó là ca sĩ Ngọc Sơn. Trong một lần chia sẻ với báo giới, ca sĩ này đã tiết lộ "“Ngày xưa tôi là người xung phong đi nghĩa vụ quân sự chứ không phải được gọi. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp lớp 12 ở trường tại Bạc Liêu. Sau 1 năm ở trong quân ngũ do tôi có nhiều thành tích về văn nghệ và thể thao, đoạt giải nhất khu vực miền Tây về bóng bàn và về ca hát, nên tôi được xuất ngũ sớm. Ít lâu sau tôi đi học thanh nhạc.”

Hoàng Tuấn - ông 'bầu' của ca sĩ Đan Trường - kể lại, khi còn là một thiếu niên, anh có dịp từ miền Nam ra Bắc để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Lúc đó, bác Võ Nguyên Giáp có kí vào trong cuốn sổ tay của tôi là: “Chúc mừng, cháu là hạt giống đỏ của Tổ quốc Việt Nam””. Hoàng Tuấn coi lời đề tặng đó như một động lực của cuộc sống và coi Đại tướng là tấm gương mình cần noi theo. Sau đó, khi tròn 17 tuổi, anh đã đăng kí đi nghĩa vụ quân sự dù chưa đủ tuổi, tình nguyện tham gia chiến dịch tại Campuchia. Anh nói: “Sau này ngẫm nghĩ lại thì chính những lời động viên của bác Giáp khi tôi còn là một đứa trẻ đã thôi thúc tôi làm việc này”.

Ngân Anh tổng hợp