Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Tỷ trọng công nghệ cao trong các DNNN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi tại các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng.

{keywords}
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cần đổi mới công nghệ (ảnh: Khánh Vy)

Trình bày tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, có lãnh đạo doanh nghiệp kể rằng ông thấy rất xót xa khi bên trong một container nhập khẩu hàng cơ khí chỉ có 4 cái khung thép hàn mà theo ông, giá trị chỉ khoảng 60 triệu đồng, trong khi cước phí vận chuyển đường biển và bốc xếp tại cảng đã là 18 triệu đồng.

Một khung thép hàn cũng phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được thép chế tạo. Thép được coi là bánh mì của các ngành công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam lâu nay mới tập trung sản xuất thép xây dựng, còn các loại thép phục vụ cơ khí chế tạo như đóng tàu, làm vỏ ô tô, chế tạo động cơ,... hầu hết vẫn nhập khẩu. Một số nhà máy thép như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát ở Quảng Ngãi đã bước đầu sản xuất được thép tấm cán nóng, để làm cơ sở cho việc làm thép chế tạo nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương liên tục được ký kết đã làm nảy sinh tâm lý “nhập cho nhanh”. Những ngành công nghiệp mang tính nền tảng trong nước không được đầu tư đúng mức. Nhật Bản là một cường quốc, nhưng trong Vịnh Tokyo vẫn có 12 nhà máy sản xuất thép chế tạo. Hàn Quốc, Trung Quốc đi lên cũng từ việc phát triển mạnh các ngành công nghiệp nền tảng.

Trong khi Việt Nam chỉ lưa thưa 2 nhà máy có thể làm thép tấm cán nóng, cơ sở để làm thép chế tạo, trong đó một là của doanh nghiệp FDI.

{keywords}
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi đầu tư trang thiết bị hiện đại (ảnh: Khánh Vy)

Mặc dù công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những DNNN lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%). Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%). Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.

Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ . Tỷ lệ máy móc được điều khiển bằng máy tính thấp, làm giảm khả năng tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu… 

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ).

Mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn rất lỏng lẻo. Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của ngành công nghiệp còn thấp

Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp . Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm. Các ngành công nghiệp chủ lực xuất khẩu chủ yếu mới tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu  nên phụ thuộc rất lớn vào biến động của cung cầu thị trường thế giới, đặc biệt là các biến động về giá, dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra trong nước thấp.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề cập một trong những “điểm nghẽn” làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng cho các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Điều này dẫn tới phải nhập khẩu với tỷ trọng vật liệu công nghiệp quá nhiều từ nước ngoài, khiến giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh tranh; sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh tác động của dịch bệnh thời gian qua khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề là minh chứng rõ nét nhất cho hiện tượng này.

Khánh Vy