-Các phụ huynh cần nắm rõ những "hiểm hoạ" để sát sao khi con cái đi du học. Không phải vì chúng đi Tây về mà muốn làm gì cũng được.

LTS: Với văn phong và lối viết trào lộng, hài hước, tác giả Đặng Hoàng Giang vừa gửi đến Tuần Việt Nam bài viết về những điều bất ngờ mà các du học sinh Việt sẽ gặp khi sang trời Tây du học. Mời bạn đọc tranh luận.

Với tất cả phụ huynh, khoảnh khắc lên ô tô ra sân bay tiễn con đi du học nước ngoài là một khoảnh khắc đặc biệt vô cùng. Mừng vui lẫn với lo âu. Vừa sung sướng và tự hào về thành quả của mình sau 12 năm chạy đua trường chọn lớp chuyên, nhưng cũng vừa lo lắng về chặng đường sắp tới.

Những lo lắng của các bậc cha mẹ là dễ hiểu, tuy nhiên các phụ huynh cần lo cái đáng lo, bởi đi Tây du học tiềm ẩn nhiều hiểm họa lớn, chứ không phải mấy chuyện lẻ tẻ ăn uống đầy đủ, mặc quần áo ấm. Sau đây là 5 rủi ro cơ bản mà tôi đúc kết được qua các kinh nghiệm của bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp cũng như trải nghiệm của bản thân.

1. Sao nhãng học hành

Nguy cơ này thường hay phát sinh vào năm thứ 2 hay thứ 3, nhưng không phải là vì các cô các cậu sau mười mấy năm được bao bọc, nay được xổ lồng thì bỗng nhiên đổ đốn ra rượu chè hay cờ bạc. Mà là vì khác với ở Việt Nam, trong môi trường ĐH Tây, con cái chúng ta rất dễ quan tâm tới những chuyện bên ngoài xã hội không đáng quan tâm hoặc thậm chí có hại cho sự nghiệp sau này. Con của một đồng nghiệp của tôi, lúc ở Việt Nam thì chỉ biết toán với lý, sau hai năm ở châu Âu bỗng quay ra tìm hiểu về nạn phá rừng ở Amazon, rồi trăn trở về cuộc sống của công nhân dệt may ở Bangladesh, nghĩa là mấy thứ vô bổ vô cùng.

Một đứa bạn của nó thậm chí còn theo sinh viên bản xứ xuống đường ủng hộ cho quyền của động vật. Sếp của tôi kể là khi con về phép thì phát hiện ra là nó có hai tập thơ của một nhà văn da đen nào đó ở trong cặp, lo quá là nó sa vào đọc thơ với tiểu thuyết thì lấy đâu ra thời gian mà học, tới lúc nó bảo đấy là sách nhà trường yêu cầu đọc thì mới hơi yên tâm, tuy vẫn bán tin bán nghi. Một người bạn tôi thì hè vừa rồi được cô con gái báo tin đã tới một khu ổ chuột ở châu Phi làm từ thiện, thế là phải tức tốc gọi điện bắt nó về ngay, "nếu như không muốn nhiễm HIV".

{keywords}

Học tập ở một môi trường sư phạm và văn hóa khác lạ sẽ mang lại nhiều thay đổi mà phụ huynh và học sinh phải chuẩn bị tâm lý.

2. Lệch lạc trong suy nghĩ?

Một vấn đề khác thường không được các phụ huynh để tâm đúng mức là môi trường phương Tây hay làm tụi trẻ trằn trọc về đường đi và ý nghĩa của cuộc sống.

Một anh bạn tôi tình cờ đọc được thằng con trai viết trong nhật ký "Tôi là ai? Mục đích của tôi là gì?" Hôm sau, anh đổi cho nó cái iPhone đời mới rồi rủ rỉ "Con là con của bố. Con đừng làm gì để bố phải xấu hổ." Rồi anh nói thêm, "Mục đích của con là làm thế nào để trở nên giầu có và thành đạt, có thế mới mở mày mở mặt được con ạ."

Một người họ hàng của tôi rất lo vì đứa con gái đã sắp tốt nghiệp rồi mà còn tâm sự là nó muốn "đấu tranh với những bất công trong xã hội". Thế là chị phải giải thích ngay cho nó là nó không làm được gì đâu, đừng có dại, nhiều người giỏi bằng chán vạn nó đã thử rồi, "cho nên chỉ cố vun vén cho gia đình mình thôi, đừng có va chạm gì mà chuốc thiệt vào thân."

Nói chung, khá nhiều phụ huynh lo lắng là tụi trẻ đi Tây về gà tồ quá, gặp gì chướng tai gai mắt là phản ứng liền, không biết cách nịnh trên, nạt dưới, lấy lòng kẻ mạnh và trấn áp kẻ yếu.

Nhiều đứa mãi vẫn cứ ngố mà tâm niệm với những điều như "Phải đi bằng đôi chân của mình", mà không hiểu là có khi đi bằng đầu gối mới đi xa được. Cứ máy móc như bên Tây thì nguy to.

3. Học một ngành vô dụng

Theo quan sát của tôi, nguy cơ này đã tăng đột biến trong dăm bảy năm trở lại đây.

Trước kia phần lớn du học sinh đều học những ngành danh giá và có tương lai như kinh tế, y, tin học, marketing hay ngoại thương, thì gần đây, do những yếu tố nhiễu mà tôi vừa nêu bên trên, cộng với việc phụ huynh thiếu thông tin để giám sát, nhiều cô cậu xoay ra học những ngành rất oái ăm như triết học, lịch sử văn học, hay phê bình nghệ thuật.

Có ngành nghề còn chưa có tên tiếng Việt, con cái giải thích mãi bố mẹ không hiểu. Thế thì làm sao mà khoe với họ hàng và bạn bè được?

Một chị bạn tôi phàn nàn là đứa con gái ở Mỹ về để làm luận án thạc sĩ về "Những dịch chuyển tâm sinh lý của tầng lớp người giúp việc" và xấu hổ vô cùng vì bị hàng xóm mách là nó đi phỏng vấn mấy ô-sin cùng phố về chuyện riêng tư.

Một đồng nghiệp khác của tôi cương quyết bắt con phải đổi ngành học, tên cụ thể là gì thì không rõ, chỉ thấy loáng thoáng có chữ "hậu hiện đại", vì theo anh ấy thì "'hiện đại' còn chả ăn ai huống hồ là 'hậu hiện đại'".

Theo tôi, khi con cái đã nằng nặc đòi đi học mấy thứ viển vông như ngôn ngữ học hay nhân chủng học thì hoạ đã rồi - nên phải định hướng thật sớm để chúng hiểu là cái gì đáng giá cho tương lai của chúng.

4. Không chịu lập gia đình

Thật sự đáng lo ngại là ngày càng nhiều các cô các cậu không chịu lập gia đình mặc dù học hành đã xong và tuổi thì đã 24, 25, nghĩa là cũng không còn trẻ trung gì nữa. Đây là một mối kinh hoàng của nhiều gia đình.

Con nhà tử tế bằng cấp đàng hoàng mà độc thân vò võ thì thật là bất thường, chỉ tổ cho người ta dị nghị là có chuyện gì. Mà kể cả có chồng rồi nhưng không có con thì thật là vô phúc, làm cho gia đình Tết nhất không dám gặp họ hàng nữa, lúc đó thì Har-vớt, Har-viếc gì thì cũng là vô nghĩa thôi.

Rõ ràng đây là một sự tai hại mà các phụ huynh cần bắt con em mình tránh xa, bởi theo tôi đọc được thì bên Tây một nừa là sồng độc thân, và nửa còn lại thì mãi tận ngoài 30 mới lập gia đình.

Nhà chị bạn có cô con gái học về ô-sin mà tôi kể lúc trước, từ mấy năm nay như ngồi trên than hồng, vì cô này đã 26 mà chưa dẫn ai về nhà, không những thế lại còn cứ đòi học tiếp lên. Nhân đây cũng phải nhắc tới một điểm mà các phụ huynh nhiều khi không để ý tới: con gái thì không nên học cao quá - có bằng tiến sĩ thì đứa nào nó rước đi cho? Đấy là chưa kể có cô còn dửng mỡ lên xăm thêm cái hình vào gáy hay vào vai, thì có mà bằng bêu riếu bố mẹ trước bàn dân thiên hạ.

5. Không nghe lời bố mẹ

Tất cả những hiểm hoạ nói trên thực ra chỉ là những hiện tượng bệnh lý của một nguyên nhân sâu xa hơn, đấy là sự ương bướng. Sau khi con em học xong xách va li về nước, nhiều phụ huynh mới ngã ngửa ra là các cô cậu trước kia vốn ngoan ngoãn, nghe lời, thì nay bỗng trở thành cứng đầu cứng cổ. Vì sao lại vậy?

Chúng ta phải hiểu là mục tiêu của nền giáo dục phương Tây là tạo ra những con người cứng đầu cứng cổ? Tôi được sáng mắt tỉnh ngộ về điều này sau khi tham dự một buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của con trai hai anh chị bạn ở châu Âu vào mùa hè năm nay. Hôm đó, mọi người tề tựu trong hội trường 300 năm tuổi nghiêm trang và lộng lẫy của trường, âm nhạc du dương nổi lên, rồi ông hiệu trưởng đọc lời chúc mừng. Lúc đầu không để ý vì mải chụp ảnh, nhưng tôi giỏng tai lên khi ông ấy nói "Các em hãy hứa là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi". Hừm, tôi gãi cằm. "Và các em hãy hứa là không bao giờ hài lòng với các câu trả lời kể cả khi chúng là của bố mẹ các em."

Tôi tá hoả, dịch vội sang tiếng Việt cho hai anh chị bạn vẫn đang mơ màng vì không hiểu tiếng. Ngay sau buổi lễ, anh bạn tôi nói với con "Trứng thì không thể khôn hơn vịt được." "Cả đời bố mẹ làm mọi thứ là vì con," chị bạn tôi đế thêm, "bố mẹ biết rõ nhất là cái gì tốt cho con."

Tổng kết lại, có thể nói là phương Tây vẫn là lựa chọn ưu tiên cho đường học hành của con em chúng ta, không những để chúng có một tấm bằng danh giá, mà còn để chúng nó thành người văn minh, ăn nói lịch sự, xả rác đúng chỗ, không chen lấn khi xếp hàng, dừng xe trước đèn đỏ kể cả ban đêm vân vân. Nhưng văn minh không thể quá trớn.

Các phụ huynh cần nắm rõ những hiểm hoạ để sát sao khi con cái đi du học; không phải vì chúng đi Tây về mà muốn làm gì cũng được. Đặc biệt là đừng để chúng tưởng là sau này chúng có thể trái ý bố mẹ để nuôi dạy con cái theo ý của bản thân mình.

Đặng Hoàng Giang

* TS Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức), và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Từng ở châu Âu gần 20 năm, quốc tịch Áo, ông có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch, cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ.

Từ 2008, TS Đặng Hoàng Giang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES).

Bài cùng tác giả:

Đừng "làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau"

 Quan điểm "làm giầu trước hết, dọn dẹp thiệt hại sau" được thực hiện ở nhiều quốc gia trong mấy thập kỷ qua đã gây hại khôn lường.

Không có phong bì, làm sao.. tồn tại?

Mỗi lần là một dịp phong bì. Không ai muốn bị đánh giá là không trung thành, là phá bĩnh. Đây chỉ là một vài trong số vô vàn tiểu tiết người ta làm để mong có được một cuộc sống yên ổn với xung quanh.

Đà Nẵng hết kiên nhẫn với người 'nghèo, lười'

Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố "kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động.

Đại gia ngủ siêu giường, nhà chăng thép gai có sướng?

Để tới lúc phải chăng dây thép gai dẫn điện quanh dinh thự, và thuê hàng đại đội vệ sĩ đưa con đi học, thì lúc đó đêm đêm ngủ trên cái giường, dẫu 6 tỉ hay 60 tỉ, liệu có sung sướng?

Việt Nam có tỉ phú đô-la: Vui hay buồn?

Đi học ngành địa chất không liên quan gì tới kinh doanh, con đường của một đại gia từ mỳ tôm tới bất động sản là chất liệu của giấc mơ mới của người Việt.

'Cái thể chế này nó thế!'

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!" Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi.

Những 'hổ báo' dũng mãnh trong đám đông

Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định.