Người phụ nữ mất 9 tỷ đồng
Ngày 17/12, Công an TP.HCM cho biết, đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Phương Bình (42 tuổi, ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an xác định, năm 2018, ông Bình quen chị P. (ở quận 5, TP.HCM). Khi đó, ông Bình tự giới thiệu là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an và có đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV Phát Tài (phường 3, quận 6. TP.HCM).
Chưa hết, ông Bình nhiều lần cho chị P. xem một số công cụ hỗ trợ còng số 8 và các dụng cụ liên quan khác của ngành công an để tạo niềm tin và nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của chị này.
Để chiếm đoạt tài sản, ông Bình đã đưa ra nhiều thông tin gian dối như cần tiền để mua hóa giá nhà, mượn tiền xử lý việc ở cơ quan, trả nợ, lo viện phí cho mẹ. Vì tin tưởng, chị P. đã chuyển cho ông Bình hơn 9 tỷ đồng.
Đến năm 2021, ông Bình bỏ trốn khỏi địa phương. Chị P. làm đơn tố cáo, Công an TP.HCM vào cuộc xác minh, điều tra, sau đó đã bắt được người này. Khi bị bắt, ông Bình khai nhận toàn bộ hành vi nêu trên. Công an cũng thu giữ nhiều còng số 8 và các vật dụng, tài liệu có liên quan vụ việc.
Đi xe biển xanh giả, giả danh đại tá công an, lừa 2 người phụ nữ 7 tỷ
Vào ngày 27/10, Công an TP Đà Nẵng nhận đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Nh. (35 tuổi, ở quận Sơn Trà) và bà Phùng Thị H. (43 tuổi, ở quận Hải Châu) tố cáo ông Lê Thừa Sơn - người tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa để lừa đảo chiếm đoạt 7 tỷ đồng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự ông Lê Thừa Sơn (48 tuổi, ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan công an, ông Sơn khai nhận, từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng chơi, quen biết với chị Nh. và chị H. Sau đó, ông Sơn khoe là cán bộ của Công an tỉnh Thanh Hóa, hàm đại tá, có nhiều mối quan hệ với cấp trên và có thể xử lý được mọi việc về chạy án, làm giấy tờ đất.
Để chị Nh. và chị H. tin, ông Sơn cho họ xem giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Lê Thừa Sơn, ô tô cá nhân gắn biển xanh giả của cá nhân để đi lại.
Tưởng ông Sơn là công an, chị Nh. đưa cho người này 5 tỷ để giúp làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở tại tỉnh Quảng Nam.
Chị H. cũng đưa cho ông Sơn 2 tỷ đồng để nhờ giúp em gái đang bị Công an TP.HCM bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được tại ngoại. Toàn bộ số tiền lấy được của chị Nh. và chị H., ông Sơn chiếm đoạt, tiêu xài.
Kẻ giả danh thường luôn miệng khoe mẽ mình là công an
Nói về vấn đề pháp lý nêu trên, luật sư Phàn A Thương - Công ty Luật TNHH Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, những vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh cán bộ công an để chiếm đoạt tài sản đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với công dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Để lừa đảo, các đối tượng thường mua công cụ hỗ trợ, trang phục ngành công an và luôn miệng nói mình công an. Khi bị hại tin tưởng, các đối tượng liên tiếp đưa ra các lý do lừa người dân chuyển tiền như: "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, xử lý phải liền tay, để lâu án khó giải quyết" rồi chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Phàn A Thương khuyến cáo, khi gặp các trường hợp như vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá thông tin, không vội tin tưởng mà làm theo lời nói của kẻ giả danh công an.
Người dân cũng cần chú ý, với những cán bộ, chiến sĩ công an thật sẽ luôn nêu cao tinh thần làm việc theo nguyên tắc nghề nghiệp, trách nhiệm, có căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục rõ ràng, công minh, đảm bảo không bao giờ có hành động khoe mẽ.
Vì vậy, trước khi đặt niềm tin và chuyển hoặc đưa tiền cho ai đó tự xưng là công an, người dân phải tìm hiểu kỹ về họ.