London: Sơn chống tiểu bậy
Theo các quan chức hội đồng, loại sơn đặc biệt tạo ra một lớp chống thấm nước, do đó nước tiểu và các chất lỏng khác có thể 'bắn ngược trở lại', khiến những người 'thiếu ý thức' phải khó chịu.
Hội đồng có kế hoạch sơn lại các bức tường của một số tòa nhà trong khu vực Soho bằng 'sơn chống tiểu tiện', bên cạnh các điểm giải trí về đêm nổi tiếng và các khu vực thường xuyên phải đối mặt với tình trạng 'tiểu bậy' nơi công cộng.
“Tiểu bậy là vấn nạn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào cuối tuần, từ thứ Năm đến Chủ nhật, thời điểm chúng tôi có rất nhiều du khách đến Westminster, đặc biệt là Soho. Họ thường nấp vào những con hẻm hay góc phố để đi tiểu bừa bãi khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc", Mary O'Connor, điều phối viên khu phố của Hội đồng thành phố Westminster giải thích.
Tuy nhiên, London không phải là thành phố châu Âu duy nhất áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo và độc đáo để xử lý vấn nạn 'tiểu bậy' nơi công cộng.
Paris: 'Cuộc cách mạng' tiểu tiện
Sáng kiến này của Paris khiến nhiều người liên tưởng tới việc 'tưới cây'. Một trong những giải pháp của thủ đô nước Pháp đối với vấn đề tiểu tiện nơi công cộng là giới thiệu "uritrottoirs", về cơ bản là những bồn tiểu công cộng được đặt trong hộp hoa.
Chúng không chỉ thực hiện chức năng chính là 'phục vụ việc đi tiểu tiện' mà còn thân thiện với môi trường, vì nước tiểu được dùng để bón cho cây trồng trong uritrottoir.
Theo các quan chức Pháp, một năm nước tiểu của một người chứa đủ nitơ, phốt pho và kali để bón cho 400 mét vuông lúa mì. Vì vậy, sử dụng uritrottoir là góp phần giữ cho thành phố xanh và sạch.
Amsterdam: Bồn tiểu gai dầu
Tương tự như Paris, thành phố Amsterdam đã tìm ra một cách sáng tạo và bền vững để 'loại bỏ' vấn đề tiểu bậy nơi công cộng.
Sau khi các quán rượu bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch, công ty GreenPee của Hà Lan đã lắp đặt một số bồn vệ sinh công cộng, chứa đầy gai dầu tại các điểm nóng 'tiểu bậy' của thành phố.
Người dùng có thể 'giải tỏa nỗi buồn' bằng cách sử dụng các lỗ ở hai bên của chậu trồng cây, nơi có một bể bên trong chứa đầy sợi gai dầu.
Sau đó, hỗn hợp nước tiểu và cây gai dầu có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho các công viên, vườn cây và trang trại đô thị của thành phố.
Anh: Bẽ mặt vì xấu hổ
Vào năm 2012, Hội đồng Chester ở Vương quốc Anh đã đưa ra một sáng kiến khá bất thường nhằm trấn áp số lượng người tiểu bậy trên đường phố.
Nếu bị bắt gặp đi tiểu bậy người đường, người vi phạm có hai lựa chọn. Đầu tiên là ra tòa và trả một khoản tiền phạt lớn hoặc phải tham gia 'khóa học nâng cao nhận thức' trị giá 75 bảng Anh.
Ngoài ra, những người vi phạm chọn tùy chọn thứ hai được thông báo về tác động của hành động của họ đối với người dân và khách du lịch. Sau đó, đoạn phim CCTV ghi lại cảnh họ đi tiểu ở nơi công cộng sẽ được phát công khai ở trung tâm thành phố.
"Chúng tôi muốn những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với di sản của thành phố", Chánh thanh tra Julie Westgate của sở cảnh sát Cheshire cho biết trong một tuyên bố.
Séc: Công khai người vi phạm
Tại Mikulov, một thị trấn du lịch sản xuất rượu vang nằm ở biên giới phía nam của Cộng hòa Séc và Áo, có lắp đặt hàng loạt các camera giám sát nhằm phát hiện những kẻ 'tiểu bậy'. Bên cạnh đó, chính quyền cũng gắn nhiều biển cảnh báo về việc nếu thực hiện những hành vi xấu nơi công cộng thì các đoạn phim sẽ được đăng tải công khai lên Youtube.
Đỗ An (Tổng hợp)