Lâu nay, chúng ta luôn nghe nói rằng, giẫm chân trần lên nước nhiễm điện sẽ bị giật, lực hút của mặt trăng gây thủy triều trên Trái đất, sét tạo ra sấm, ... Tuy nhiên, đây chỉ là các lầm tưởng phổ biến, vì sự thật không hẳn như chúng ta biết lâu nay.
Lầm tưởng: Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo duy nhất rõ thấy từ vũ trụ
Sự thật: Vạn Lý Trường Thành không phải là công trình nhân tạo duy nhất rõ thấy từ vũ trụ. Tất cả phụ thuộc vào nơi bạn tin là điểm khởi đầu của vũ trụ, ở phía trên Trái đất. Từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), vốn tọa lạc ở độ cao trên 402km so với mặt đất, bạn có thể nhìn thấy bức trường thành khổng lồ của Trung Quốc cũng như nhiều công trình nhân tạo khác. Tuy nhiên, nếu từ mặt trăng, bạn không thể nhìn thấy bất kỳ công trình nào dưới Trái đất, ngoại trừ sự phát tỏa mờ ảo của ánh đèn thành phố.
Lầm tưởng: Lực hấp dẫn của mặt trăng hút nước trên bề mặt Trái đất, gây thủy triều
Sự thật: Đây mới chỉ là "một nửa sự thật". Ở phía đối diện mặt trăng của Trái đất, lực hấp dẫn của mặt trăng thực tế hút nước về phía nó, gây ra hiện tượng thủy triều. Song, ở phía bên kia của Trái đất, lực hấp dẫn của mặt trăng yếu hơn và chính quán tính của nước trước sự quay tròn của Trái đất mới tạo ra ảnh hưởng: tốc độ xoay khoảng 1.673,7km/h đã làm bắn tung nước đại dương thành một khối hơi phình nhẹ mà chúng ta công nhận là thủy triều.
Lầm tưởng: Sét không bao giờ tấn công cùng một địa điểm lần thứ hai
Sự thật: Trong thực tế, sét hoàn toàn có thể tấn công một địa điểm nào đó tới 2 lần. Một số nơi, chẳng hạn như tòa nhà cao chọc trời Empire State ở Mỹ đã trúng sét tới 100 lần/năm.
Lầm tưởng: Trái đất là hình cầu hoàn hảo
Sự thật: Trái đất xoay tròn với vận tốc khoảng 1.673,7km/h (tương đương gần 60% tốc độ của một viên đạn được bắn ra khỏi nòng súng), tạo ra quán tính khiến hai cực của hành tinh hơi phẳng dẹt nhưng làm xích đạo phình ra. Do hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu và sự tan chảy của các sông băng (đồng nghĩa với việc ít sức nặng đè nén lên lớp vỏ Trái đất hơn), các nhà khoa học cho rằng, chỗ phình ở xích đạo hiện đang ngày càng tăng lên.
Lầm tưởng: Đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất trên Trái đất
Sự thật: Đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất phía trên mực nước biển, nhưng nếu tính chiều cao của ngọn núi từ chân đến đỉnh thì ngọn núi cao nhất là Mauna Kea trên đảo Hawaii. Theo các số liệu được công bố, đỉnh Everest cao 8.848 mét phía trên mực nước biển. Trong khi đó, dù chỉ trồi lên 4.205 mét so với mặt nước biển, nhưng Mauna Kea ăn sâu thêm khoảng 6.004 mét xuống Thái Bình Dương, tức là hơn một nửa ngọn núi bị ngập chìm dưới nước. Tính tổng cộng, chiều cao của Mauna Kea là 10.209 mét, cao hơn 1.361 mét so với Everest.
Lầm tưởng: Nước dẫn điện
Sự thật: Nước tinh khiết và nước chưng cất không dẫn điện tốt. Lí do chúng ta bị điện giật khi giẫm phải nước nhiễm điện là, loại nước đó đã bị lẫn các tạp chất như các khoáng chất, bụi bẩn và những thứ có tính dẫn điện khác.
Lầm tưởng: Mùa hè ấm vì chúng ta gần mặt trời hơn
Sự thật: Bán cầu bắc của Trái đất không gần mặt trời hơn khi nó bước vào giai đoạn mùa hè. Điều tương tự cũng xảy ra với bán cầu nam của hành tinh chúng ta. Lí do khiến thời tiết ấm hơn vào mùa hè là Trái đất luôn bị nghiêng. Trong quỹ đạo kéo dài cả năm, tình trạng nghiêng của Trái đất cho phép năng lượng mặt trời tiếp xúc với chúng ta trực tiếp hơn.
Lầm tưởng: Sét gây ra sấm
Sự thật: Sét chỉ là một luồng electron bắn ra từ đám mây tới đám mây hoặc từ mặt đất tới đám mây. Điều này sau đó đốt nóng không khí thành một ống plasma nóng gấp 3 lần bề mặt của mặt trời. Ống plasma đó làm giãn nở và co rút dữ dội không khí lân cận, tạo ra tiếng nổ đì đùng hoặc ầm ầm (sấm), chứ không phải bản thân luồng electron.
Tuấn Anh (Theo Tech Insider)