Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết này được gọi là Tết Thanh minh.

Năm nay, ngày Lập xuân là 3/2/2021 dương lịch nên Tết Thanh minh sẽ là ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 23/2 âm lịch). Vào dịp này, người Việt thường sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.

Trao đổi về  tập tục tảo mộ trong dịp Thanh minh, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho hay, công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ, thấy cỏ rậm phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ.

Ngoài ra, các gia đình cũng kiểm tra xem các loài động vật hoang dã như rắn, chuột có ào hang, làm tổ trong mộ của người thân mình hay không, nếu có thì phải tìm cách đuổi hoặc lấp tổ đó lại. Vì theo suy nghĩ của họ, việc có động vật đào tổ ở phần mộ người đã khuất là phạm tới linh hồn người đã khuất.

Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất, cuối cùng là về nhà  làm cỗ cúng gia tiên.

{keywords}
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cũng cho rằng, khi đi tảo mộ, mỗi người cần lưu ý những điều sau để mọi việc được hanh thông thuận lợi.

1. Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm nhất là người yếu bóng vía, người huyết áp thấp. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.

2. Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

3. Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.

4. Khi tảo mộ, không nên giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt là những trẻ vị thành niên lại càng cần phải chú ý.

5. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ có thai cũng không nên đi tảo mộ. Người đang bị nhiễm phong hàn, đau nhức xương khớp không nên ra mộ, nên vái vọng.

6. Những bạn có khí chất yếu, tốt nhất là khi về nhà bước qua chậu lửa. Nam 7 lần và nữ 9 lần hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu, hàn khí.

7. Tảo mộ là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.

8. Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.

Lê Phương (tổng hợp)