Tối 6/8, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp với Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức khai mạc sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 19 năm 2023. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2023).

Tham dự Lễ khai mạc có ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng; ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đại diện các cơ quan, tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cùng đông đảo người dân và du khách.

Sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003. Đến nay, sau nhiều lần tổ chức, sự kiện đã tạo được tiếng vang, thu hút sự quan tâm của người dân hai nước. Mỗi lần tổ chức sự kiện đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần củng cố mối quan hệ giao lưu – hữu nghị giữa nhân dân Hội An, Quảng Nam, Việt Nam và Nhật Bản.

hoi-an-1.jpg
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 19 năm 2023.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Chính quyền và nhân dân thành phố Hội An hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, Hội An, Quảng Nam và các đối tác Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân các địa phương hai nước, hướng đến một tương lai tốt đẹp”.

Tại lễ khai mạc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, nhiều ví dụ đa dạng thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó trong lịch sử lâu đời, vượt qua phạm vi 50 năm của hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện giữa Araki Sotaro, thương nhân vùng Nagasaki và Công nữ Ngọc Hoa thời Chúa Nguyễn vào khoảng 400 năm trước.

“Năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, mối liên hệ giữa hai nước chặt chẽ như ngày nay là bởi đằng sau đó có sự “thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người”, được tạo nên nhờ mối liên hệ mang tính lịch sử, văn hóa lâu đời giữa hai nước”, ông Yamada Takio khẳng định.

chua cau hoi an.jpg
Chùa Cầu tại Hội An

Năm nay, dựa trên những di sản quý giá trong kho tàng văn hóa Nhật Bản và Hội An, Quảng Nam, Việt Nam, các chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật được đầu tư công phu, mang âm hưởng truyền thống và hiện đại, thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa hai đất nước, thông qua nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn Trà Đạo, cắm hoa Ikebana, thư pháp, gấp giấy Origami, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống… 

Đặc biệt, du khách sẽ được xem tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro; thưởng thức ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản; tham gia vẽ tranh “Thiếu nhi Hội An với văn hóa Nhật Bản”; tham quan các gian hàng trưng bày vật phẩm, phụ kiện, truyện tranh Nhật Bản, triển lãm tranh sơn mài, trưng bày ảnh tư liệu về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội An - Nhật Bản; tham gia các trò chơi đẩy gậy, nhảy bao bố...

hoi an 2.jpg
Các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn tại lễ khai mạc sự kiện.

Sự kiện lần này còn có chương trình ca nhạc Anisong - biểu diễn các ca khúc theo chủ đề của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản; trưng bày giới thiệu văn hóa Hội An - Nhật Bản qua những hiện vật, mô hình điêu khắc của các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam.

Từ cuối thế kỉ 16 đầu thế kỉ 17, Hội An trở thành thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong của đất Việt, hội tụ và giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các vùng miền khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Các thương gia Nhật Bản đã được Chúa Nguyễn cảm mến và ưu ái cho giữ nhiều vị trí quan trọng tại thương cảng Hội An. Cộng đồng thương gia Nhật Bản được lập phố riêng, xây dựng các cơ sở thương mại và được sống theo phong tục tập quán của mình. 

Thương gia Nhật đã góp phần thúc đẩy sự hưng thịnh của thương cảng Hội An suốt giai đoạn đầu thế kỷ 17, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hội An trong các thế kỷ sau. Người Nhật đã để lại trên đất Hội An nhiều di tích, dấu tích là minh chứng sinh động về mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản.

Đào Thị Lý, Trần Văn Thường, Phùng Thu Thủy, Trần Bích Hạnh