XEM CLIP: (Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Mỗi người dân cần chủ động phòng cháy

Những vụ cháy nhà thảm khốc thời gian qua chủ yếu xảy ra với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ, chung cư mini. Thời điểm cháy thường xảy ra vào đêm khuya hoặc lúc rạng sáng, khi người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ, khó nhận biết hỏa hoạn.

Loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cho thuê trọ hiện nay tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ bởi phần lớn được thiết kế theo kiểu nhà ống, có diện tích nhỏ hẹp, lại chứa nhiều hàng hóa bên trong.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, loại hình nhà ở này chỉ có 1 thang bộ trong nhà để thoát nạn, tầng 1 thường là nơi chứa hàng hóa hoặc các chất dễ cháy nổ. Các tầng trên thường không có ban công mà bị tận dụng tối đa diện tích cơi nới để sử dụng. Các chủ hộ thường làm “chuồng cọp” để đề phòng trộm cắp.

Vì vậy, khi xảy ra cháy, lực lượng cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn để phá dỡ vật cản, ứng cứu nạn nhân. Bản thân nạn nhân cũng gặp khó khăn khi tìm lối thoát ra ngoài.

w chuongcop 2085.jpg
Nhiều ngôi nhà ống có diện tích nhỏ hẹp, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Đình Hiếu

Trước những bất cập về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của loại hình nhà ở trên, theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và người xung quanh.

Theo Công an TP Hà Nội, người dân nói chung, người thuê trọ nói riêng cần tuân thủ pháp luật, nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng. Cụ thể như sau:

Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy.

Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng, gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…

Không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện... Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini, chai chứa khí nén) gần vị trí sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc nơi có nguy phát lửa, phát nhiệt.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu… phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần, không đảm bảo an toàn PCCC...

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.

Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

Theo dõi quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại…

Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở.

Phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn về PCCC, có thể gây phát sinh cháy, nổ.

Bình tĩnh là yếu tố then chốt trong tìm đường thoát nạn

Tình huống phát hiện cháy, người dân cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài. Hô hoán, nhấn chuông báo cháy (nếu có) và gọi số cứu hỏa 114.

Nếu đám cháy ở gần, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại các hộp chữa cháy để dập lửa.

Nếu cửa ra vào bị lửa khói bao trùm, người dân cần tìm lối thoát khác như qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, tìm lối thoát lên mái… Không sử dụng thang máy, chỉ dùng thang bộ để thoát nạn.

Người dân tuyệt đối không được núp trong phòng, tủ quần áo, nhà vệ sinh hoặc nơi khó tìm.

W-thoat nan.jpg
 Người dân tham gia diễn tập phương án thoát nạn khi có đám cháy. Ảnh: Đình Hiếu

Nếu buộc phải băng qua lửa, người dân hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài.

Nếu phải băng qua khói, người dân có thể dùng mặt nạn lọc độc, khăn ướt che kín miệng mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường rồi tới lối thoát an toàn.

Ngoài ra, khuyến cáo người dân không nhảy từ tầng cao xuống trừ khi có sự hướng dẫn của cảnh sát PCCC&CNCH và có dụng cụ bảo hộ. Nếu quần áo bị bén lửa, cần nằm xuống và lăn người qua lại để làm tắt ngọn lửa.