Chiều 28/5, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Việt Nam đã tổ chức hội thảo “các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối hơn 70 doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực PCCC&CNCH có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, một trong các chức năng quan trọng của Hiệp hội là hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện thiết bị PCCC&CNCH tại Việt Nam nói chung.

W-hiephoipccc.jpg
Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam. Ảnh: Đình Hiếu

Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH, mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước để đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng như các nghị định, thông tư liên quan, Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo để tiến hành tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên về các khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị để đề xuất Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH.

"Một số khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH trong nước như: Chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ, các vấn đề về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...", ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho hay.

W-hoi thao2.jpg

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện một đơn vị sản xuất thiết bị PCCC&CNCH cho biết, là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến chữa cháy như: Vòi, van, bình chữa cháy chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, tuy nhiên doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chính sách thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất. Cụ thể, thuế suất nguyên liệu thép nhập khẩu lên đến 32% - đây là nguyên liệu chính để doanh nghiệp sản xuất bình chữa cháy, trong khi chính sách thuế nhập khẩu sản phẩm bình chữa cháy là 0%.

"Điều này rất bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khiến cho sản phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cũng như thị trường quốc tế", đại diện công ty nêu.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp hội viên trình bày các khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất kinh doanh và các đề xuất, kiến nghị để Ban chuyên môn Hiệp hội cùng trao đổi, giải đáp, thảo luận, liên quan đến chính sách thuế; thủ tục xuất - nhập khẩu, tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn; kiểm định… đối với thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; chống hàng giả, hàng kém chất lượng…