Trước khi vướng hàng loạt vụ mất tiền, mất vàng gửi tiết kiệm của khách gần đây, Eximbank đã có một thời gian dài dính lùm xùm với lục đục nội bộ, thông tin bị thâu tóm…
Từ một ngân hàng được đánh giá "khỏe mạnh" nhưng bắt đầu giai đoạn 2012-2013, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank(EIB) vướng những lùm xùm liên quan đến việc bị thâu tóm, tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ, khiến nhà băng này chịu không ít ảnh hưởng. Chưa dừng lại đó, thời gian gần đây, ngân hàng lại liên tục gặp rắc rối khi nhiều khách tố mất hàng trăm tỷ đồng tiền, vàng gửi tiết kiệm.
Khách liên tục mất tiền, nhiều nhân viên bị bắt, khởi tố
Chỉ trong vài tháng gần đây, Eximbank liên tiếp vướng vào lùm xùm mất hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Mở đầu cho những rắc rối là vụ việc khách hàng Chu Thị Bình tố mất hơn 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Đầu năm 2018, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại chi nhánh ngân hàng này.
Sáng 26/3, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khám xét trụ sở Eximbank TP.HCM và tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi làm việc và nơi ở đối với Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi (nhân viên Eximbank) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi, nhân viên phòng khách hàng của Eximbank chi nhánh TP.HCM, bị bắt. |
Ngoài 2 bị can này, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can khác là nhân viên thuộc Eximbank TP.HCM, về tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" theo điều 179 Bộ Luật hình sự.
Ba bị can bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú, là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan và Cao Lan Phương. Tuy nhiên, bà Trâm và Lan đã được Eximbank đồng ý cho nghỉ việc trước thời điểm bị khởi tố.
Như vậy, đã có 5 người liên quan vụ mất 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình bị khởi tố, trong đó hai bị can Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi đã bị bắt tạm giam.
Riêng bị can Lê Nguyễn Hưng, Bộ Công an cũng đã khởi tố, phát lệnh truy nã quốc tế về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hưng được xác định là đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Vụ việc đang trong quá trình giải quyết thì một khách hàng ở Hà Nội, là bà Bùi Tố Loan, “tố” bị mất 3 lượng vàng khi gửi ở ngân hàng này.
Tiếp đó, một khách hàng của Eximbank chi nhánh Đô Lương, Nghệ An là ông Nguyễn Tiến Nam lại có đơn yêu cầu phải trả lại số tiền 28 tỷ đồng ông gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã “không cánh mà bay”, chỉ còn có 195 triệu đồng. Kịch bản cũng quen thuộc, là nhân viên nhà băng lừa đảo, rút ruột chiếm dụng của khách.
Ông Nam là một trong 6 nạn nhân mất tổng cộng 50 tỷ khi gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh Đô Lương.
Đấu đá, tranh giành quyền lực
Trước thời điểm này, nội bộ Eximbank đã có nhiều sóng gió, mà đỉnh điểm là cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực liên tiếp diễn ra từ 2015-2016.
Giai đoạn này, liên tiếp các cổ đông lớn tại Eximbank yêu cầu bãi nhiệm HĐQT đương nhiệm. Nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát, khiến nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần. Tháng 7/2015, ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank được tổ chức nhưng vẫn chưa thể giải quyết được quyền lợi của các bên.
Eximbank sau đó phải tổ chức đại hội bất thường vào tháng 12/2015, để bầu nhân sự, nhưng đại diện của một nhóm cổ đông lớn vẫn không có tên trong HĐQT. Thậm chí, nội bộ cổ đông ngân hàng còn cho rằng có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu, khi ông Lê Minh Quốc ứng cử vào vị trí thành viên độc lập lần công bố đầu tiên, chỉ đạt chưa đến 46% số phiếu ủng hộ, nhưng sau khi được bỏ phiếu lại thì đạt tỷ lệ hơn 58%, và trúng cử.
Ông Lê Minh Quốc tại ĐHĐCĐ thường niên Eximbank năm 2015. |
Ông Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn trưởng Ban kiểm soát là đại diện đến từ Vietcombank nắm giữ. Ngân hàng tiếp đó cũng thay Tổng giám đốc. Và ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước, đảm nhiệm vị trí này từ giữa tháng 3/2016.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2016, một số lãnh đạo cấp cao tại Eximbank bất ngờ từ nhiệm, lại làm dấy lên cuộc tranh đấu giành ghế trong HĐQT ngân hàng.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank cũng bị hủy nhiều lần vì không tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông, các tờ trình không được thông qua. Cùng với đó, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện. Đầu tháng 6/2016, nhóm cổ đông gồm 19 cá nhân và tổ chức nắm giữ 11,71% vốn Eximbank đã yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông, để bãi nhiệm một số thành viên HĐQT.
Mãi tới ĐHĐCĐ thường niên 2017, tình hình nhân sự tại Eximbank mới được ổn định.
Trong giai đoạn này, kết quả kinh doanh của Eximbank cũng sa sút rất mạnh, lợi nhuận trong 2 năm 2014-2015 thu về chỉ chưa tới 100 tỷ đồng, trong khi đây là ngân hàng có quy mô nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam.
Tin đồn bị thâu tóm
Xa hơn, vào giai đoạn 2012-2013, Eximbank cũng từng vướng tin đồn bị thâu tóm, khi liên tiếp khối lượng lớn cổ phiếu EIB được giao dịch sang tay một cách bí ẩn.
Cụ thể, từ cuối 2012 và đầu năm 2013, hàng loạt biến động xảy ra trong bộ máy nhân sự cấp cao của Eximbank từ thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cho tới kế toán trưởng… diễn ra.
Cùng thời điểm này là liên tiếp diễn ra các giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn cổ phiếu EIB. Trong tháng 1, 5, 6, 9/2013, hàng chục triệu cổ phiếu của Eximbank được giao dịch thông qua hình thức thỏa thuận, lặp lại kịch bản của nhiều tháng trong năm 2012.
Những giao dịch thỏa thuận “khủng” trong suốt gần 2 năm (2012-2013), cùng với thông tin Công đoàn Eximbank mua vào cổ phiếu và ngân hàng quyết định mua 62 triệu cổ phiếu quỹ, làm nhiều người liên tưởng đến kịch bản xảy ra tại Sacombank trước đó.
Hỗ trợ ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank?
Cũng trong giai đoạn này, tin đồn ông Trầm Bê chính là người đứng sau thâu tóm toàn bộ cổ phần mà bầu Kiên và các công ty có liên quan nắm giữ tại Eximbank, xuất hiện.
Cụ thể, quý III/2012, nhóm cổ đông của ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) buộc phải chuyển nhượng cổ phần Eximbank để xử lý các khoản nợ vay ACB đã dùng để tài trợ việc đầu tư vào cổ phiếu Eximbank tổng cộng trên 20% vốn ngân hàng.
Số cổ phần này sau đó được cho là chuyển nhượng cho nhóm đầu tư của ông Trầm Bê, nhưng đứng tên các thành viên HĐQT của Eximbank.
Eximbank chính là cổ đông lớn đã yêu cầu Sacombank phải bầu lại thành viên HĐQT vào năm 2012, khởi nguồn cho SouthernBank sáp nhập vào Sacombank. Ảnh minh họa |
Trả lời phỏng vấn trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank khi đó, cho biết các thành viên HĐQT của ngân hàng đã mua vào toàn bộ số cổ phần mà nhóm cổ đông liên quan đến ACB bán ra.
Trong ĐHĐCĐ Eximbank năm 2014, các ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Hữu Phú và Đặng Phước Dừa, mỗi người đại diện cho nhóm cổ đông có 10% số cổ phần của ngân hàng. Nhóm cổ đông Eximbank này sau đó đã cùng với ông Trầm Bê từng bước thâu tóm Sacombank.
Tháng 2/2012, Eximbank cho biết đã nắm trên 51% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank, và yêu cầu bầu lại cơ cấu thành viên HĐQT ngân hàng này.
Nhóm cổ đông Eximbank tuyên bố trong số 51% cổ phần được ủy quyền, có ít nhất 17% cổ phần nắm giữ trên 6 tháng, và theo Điều lệ của Sacombank, cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 10% vốn trên 6 tháng có thể đề nghị cử đại diện vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng.
Ông Đặng Văn Thành, khi đó là Chủ tịch Sacombank, cho biết Eximbank đang nắm giữ 9,73%, Southernbank nắm giữ 4,8% vốn của Sacombank, số còn lại trong tỷ lệ 51% chưa được chứng thực.
Tuy nhiên, ông Thành đã không thể kiểm soát được hết số cổ phiếu trên thị trường và ông Trầm Bê khi đó đã thâu tóm tới 37,7% vốn của Sacombank vào cuối năm 2012, thông qua các công ty và cá nhân có liên quan.
Đến tháng 5/2012, ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank diễn ra và tỷ lệ người có liên quan đến ông Trầm Bê, Southernbank và Eximbank chiếm 6/10 thành viên HĐQT mới của Sacombank. Ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh vẫn giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch, nhưng không lâu sau đã phải rời đi và Sacombank chính thức đổi chủ.
(Theo Zing)
Vụ 245 tỷ chưa xong, khách hàng lại tố mất vàng tại Eximbank
Trong khi vụ việc bà Chu Thị Bình mất 254 tỷ đồng tiền gửi chưa lắng xuống thì mới đây, một khách hàng khác lại tố bị mất 3 lượng vàng tại Eximbank.
Dính vụ đại gia Chu Thị Bình, Eximbank thiệt luôn 2.400 tỷ đồng
Trong khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lên mức cao kỷ lục mới thì Eximbank bốc hơi ngàn tỷ sau vụ khách hàng bỗng dưng biến mất hơn 240 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi.
Thêm vụ mất tiền tỉ hy hữu tại Eximbank
Có chi tiết "lạ" cho thấy lỗ hổng quản trị khá lớn ở Eximbank: Nhân viên đã nghỉ việc mà vẫn làm được thủ tục rút, chiếm đoạt hơn 34 tỉ đồng của khách từ hệ thống ngân hàng này.
Công ty nhà nữ đại gia mất 245 tỷ đồng tại Eximbank đang làm ăn ra sao?
Bà Chu Thị Bình - người vừa mất 245 tỷ đồng tại Eximbank - được biết đến là nữ đại gia của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), vợ ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú.
Eximbank mất ngàn tỷ: Cổ phiếu ngân hàng biến động mạnh
Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường. Áp lực gia tăng ở nhiều mã, trong đó Eximbank (EIB) bốc hơi hơn 1 ngàn tỷ đồng sau sự cố khách hàng mất 245 tỷ đồng.
Bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ ở Eximbank: Nữ đại gia giàu bậc nhất Việt Nam
Bà Chu Thị Bình, khách hàng bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank được cho là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu Thuỷ sản Minh Phú và là vợ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC.
Trăm tỷ tiết kiệm ‘bốc hơi' và lỗ hổng quản trị tiền gửi của Eximbank
Vụ việc Phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP.HCM rút 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn đang đặt ra câu hỏi về quản trị tiền gửi của nhà băng này.
Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỷ bỏ trốn: Người bị hại lên tiếng
Luật sư nhận định việc Eximbank chờ đến khi có phán quyết của tòa mới trả lại tiền cho người bị hại là không đúng quy định của pháp luật.