Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang có sự tham gia của các tập đoàn, các nhà phát triển BĐS lớn có tiềm lực mạnh, xuất hiện những dự án đô thị từ vài trăm đến vài nghìn ha. Theo thống kê, có 29 dự án nghỉ dưỡng phức hợp với tổng quỹ đất khoảng 13.000ha trải dài từ Bắc đến Nam. Thông tin trên được ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, DKRA Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” do Báo Tiền phong tổ chức sáng 22/7.
Theo ông Thắng, các “tay to” như SunGroup, Hưng Thịnh, Novaland, Vingroup… tham gia đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đã tiếp sức cho sự hồi phục lớn của ngành du lịch, thu hút du khách bởi mô hình nghỉ dưỡng của các tập đoàn này đi kèm nhiều dịch vụ, trò chơi, hoạt động giải trí.. từ đó, kích cầu du lịch cả nước. Đơn cử, SunGroup có dự án Sun Vân Đồn 390ha, Sun Sầm Sơn 1.260ha; Novaworld Phan Thiết 1.000ha; Hải Giang Merryland 623ha; Phú Quốc United Center 1.044ha; Novaworld Hồ Tràm 1.000ha; cụm dự án của SunGroup 600ha…
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng, bao gồm tất cả các phân khúc (biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng) có 57 dự án, cung cấp ra thị trường hơn 9.500 sản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có 26 dự án, chiếm khoảng 29% nguồn cung toàn thị trường và tăng khoảng 50% so với cung kỳ năm 2021. Nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng đang dẫn dắt, chiếm tới 54% nguồn cung với hơn 5.000 sản phẩm mới, tương đương tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Trái ngược, loại hình condotel có xu hướng giảm, chỉ có 8 dự án với gần 1.600 sản phẩm được đưa ra trong 6 tháng đầu năm, bằng hơn 50% cùng kỳ năm 2021.
Thành viên DKRA cho biết thêm, hiện có 54 thương hiệu vận hành nghỉ dưỡng nổi tiếng của 18 tập đoàn quốc tế đã xuất hiện tại Việt Nam. Các đơn vị này vận hành khoảng 144 khách sạn, resort từ 4 đến 5 sao với tổng số gần 42.000 phòng. Đây là điểm quan trọng, bởi, những thương hiệu vận hành quốc tế cao cấp sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, kéo thêm du khách quốc tế đến, từ đó giúp thị trường BĐS có thêm tiềm năng phát triển.
Xung lực từ khu vực biển phía Nam
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo, năm 2023 sẽ có một số xung lực tập trung vào BĐS nghỉ dưỡng ở khu vực biển phía Nam. Tiềm năng này dựa trên những hạ tầng đang và sẽ được “xuống tiền” xây dựng trong năm 2023-2024.
Cụ thể, đường Bến Lức - Long Thành hoàn thành năm 2024 sẽ đưa toàn bộ kết nối miền Tây thông qua Bến Lức, tới Long Thành và đi ra hướng biển; đường vành đai 3 kết nối xuống Nhơn Trạch cũng hướng toàn bộ khu vực ra Long Thành; đường vành đai 4 nối Trảng Bom - Bà Rịa Vũng Tàu và các tuyến cao tốc sẽ hoàn thành tới đây hướng về khu vực biển phía Nam, tạo xung lực cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu cho biết, khoảng 80-90% thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nằm ở ven biển, hải đảo, do đó các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.
Theo ông Châu, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang dần được định hình lại, chủ đầu tư đã gắn quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường, BĐS nghỉ dưỡng sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” khi Việt Nam thu hút đông đảo khách du lịch trở lại. "Khi du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này có lợi cho cả chủ đầu tư và khách hàng”, đại diện HoREA nói.