Theo báo Hải Quan, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), có hàng chục sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đã bị lực lượng này phát hiện, xử lý. Điển hình như tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo (điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép).

{keywords}
Nhiều sai phạm trong lĩnh vực xăng dầu bị xử lý. Ảnh minh họa

Cũng có những trường hợp đối tượng không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu; bán xăng dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thậm chí bán xăng dầu nhập lậu. Không những vậy, một số cá nhân còn sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định; tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm…

Đáng chú ý nổi lên hàng loạt các vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng với cả trăm triệu lít tuồn vào thị trường vừa được cơ quan điều tra phát hiện. Theo một đại diện của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng diễn ra nhiều năm trên thị trường nhưng không có biện pháp quản lý đúng cách.

Nguyên nhân là nguồn xăng dầu đầu vào buôn lậu hoặc được làm giả, các đối tượng đưa vào hệ thống, cửa hàng và hợp thức hóa do nguồn đầu ra (khâu bán lẻ) không yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ nên rất dễ hợp thức hóa xăng dầu lậu.

Trước tình hình trên, ngày 1/3/2021, Tổng cục QLTT có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Sở Khoa học- Công nghệ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và lấy mẫu giám định chất lượng đối với mặt hàng xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nắm bắt các hoạt động kinh doanh xăng dầu (địa điểm lưu kho, bồn chứa, địa điểm tồn trữ xăng dầu cũng như các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu) để kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi pha trộn xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng...

(Theo Viet Q)