Từ “động sách” bị chôn vùi dưới lòng đất, hay phòng chứa bí mật của các tu sĩ, những kho tàng tri thức này đều được chôn giấu ở những nơi bí mật, không ai biết tới.

Vì nhiều lý do như chính trị, văn hoá hay tôn giáo, trên thế giới có những thư viện sách được giữ bí mật thay vì mở cửa cho mọi người vào đọc, tra cứu hay thăm quan. Dù dưới bất cứ hình thức nào, những thư viện này vẫn có giá trị văn hoá không hề nhỏ trong lịch sử nhân loại.

Thư viện dưới lòng đất ở Syria

Ít ai biết rằng, bên dưới những con đường và thành phố bị chiến tranh tàn phá của Damascus, Syria, là một hệ thống thư viện lớn. Trong 4 năm qua, kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, hàng trăm người tình nguyện đã thu thập 14.000 cuốn sách từ những ngôi nhà trong thành phố để đưa xuống lòng đất.

{keywords}

Thư viện dưới lòng đất ở Syria. Ảnh: Buzzfeed

Lẽ tất nhiên, những cuốn sách này được cất giữ ở một nơi bí mật để tránh trở thành mục tiêu bị không kích. Những người muốn tiếp cận “thư viện” bí ẩn này đều phải biết cách thức luồn lách qua cơn mưa bom bão đạn và nhiều chướng ngại khác.

Chính vì thế, thư viện ngầm ở Damacus được xem như một kho báu quý giá. “Theo khía cạnh nào đó, thư viện này đã đem tôi trở lại với cuộc sống”, ông Abdulbaset Alahmar, một trí thức Syria chia sẻ với BBC. “ Cũng giống như cơ thể cần thức ăn, thì điều mà những linh hồn cần đến chính là sách”.

Động sách ở Trung Quốc

Ở vùng rìa sa mạc Gobi, Trung Quốc, một phần hang động thờ ở Đôn Hoàng có tên là hang Nghìn Phật, đã bị phong ấn cách đây hàng ngàn năm. Vào năm 1900, tu sĩ Đạo giáo tên Wang Yuanlu – một người giám hộ không chính thức của các hang động – đã phát hiện ra cánh cửa bí mật dẫn đến một căn phòng đầy tài liệu có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 11.

Mặc dù chính quyền địa phương tỏ ra không có hứng thú với những gì ông Wang phát hiện ra, tin tức về động sách bí ẩn đã lan truyền khắp nơi, và một nhà thám hiểm người Hungary tên Aurel Stein đã thuyết phục ông Wang bán lại gần 10.000 bản thảo viết tay.

Tiếp đến, các đoàn nhà khoa học từ Pháp, Nga và Nhật Bản đã tới và lấy đi gần như tất cả tài liệu cổ còn lại trong động. Theo tờ New Yorker, mãi đến năm 1910, khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh thu hồi toàn bộ tài liệu còn sót lại, số bản thảo chỉ dừng lại ở con số 5.

{keywords}

Chuyên gia người Pháp Paul Pelliot đang làm việc tại động sách ở Đông Hoàng năm 1908. Ảnh: The Musée Guimet

Sau quãng thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu, giờ đây, gần như tất cả tài liệu cổ trong động trên đều đã được giải mã. Tuy nhiên, điều không ai có thể lý giải được là vì sao động lại bị phong ấn.

Theo lập luận của ông Stein, đây có lẽ là một cách lưu giữ những tài liệu không dùng nữa. Trong khi đó, nhà Trung Hoa học người Pháp Paul Pelliot tin rằng động được phong ấn từ năm 1035, khi đế chế Tây Hạ xâm lược Đông Hoàng. Học giả Trung Quốc Rong Xinjiang thì cho biết đây là hành động đối phó với sự xâm lăng của lực lượng Hồi giáo Karakhanids.

Dù lý do là gì, thì những tư liệu được chứa trong hang động vẫn có giá trị lớn đối với công cuộc khám phá lịch sử nhân loại. Theo tuyên bố từ Thư viện Anh, một bản tài liệu từ hang động có niên đại từ năm 868 chính là “chứng tích cổ nhất về sách in trên thế giới còn sót lại”.

Văn khố mật Vatican

Một địa điểm khác không kém phần bí ẩn chính là văn khố bí mật của Vatican. Được xây dựng từ năm 1612, căn phòng đã trở thành đề tài bất tận cho những thuyết âm mưu cho đến thời điểm hiện tại. Căn phòng này thậm chí còn trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi được tái hiện trong tiểu thuyết Angels and Demons (Thiên thần và Ác quỷ) của Dan Brown, kể về hành trình lần theo dấu vết tổ chức Illuminati của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon.

Nhiều lời đồn thổi cho rằng bên trong văn khố có chứa xương sọ của người ngoài hành tinh, tài liệu về dòng máu của Chúa Jesus, và một cỗ máy thời gian có tên Chronovisor, được chế tạo bởi một thầy tu dòng thánh Benedict để đi ngược thời gian và ghi lại cảnh đóng đinh Chúa Jesus.

{keywords}

Phòng lưu trữ Vatican, nơi chứa đựng nhiều tài liệu cổ quý hiếm. Ảnh: Viện bảo tàng Capitoline

Để nỗ lực xua tan những tin đồn vô căn cứ, giới tăng lữ ở Vatican gần đây đã tổ chức trưng bày các hiện vật ở văn khố tại Bảo tàng Capitoline ở Rome. Vào năm 1881, Đức Giáo Hoàng Leo XIII lần đầu tiên đã cho phép các học giả đến thăm nơi này. Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã có thể tiếp cận các tài liệu trong căn phòng, và dần vén bức màn bí ẩn che phủ nó hàng ngàn năm qua.

Thư viện Do Thái bí mật

Sau hàng thế kỷ bị lãng quên, bộ sưu tập tài liệu đồ sộ ở Old Cairo (Fustat), Ai Cập đã được một người Romani gốc Do Thái là Solomon Schechter phát hiện và đưa ra ánh sáng. Ẩn sau bức tường Ben Ezra, gần 280.000 bản thảo viết tay của người Do Thái đã được tìm thấy, và tiết lộ nhiều bí mật về chủng người thông minh nhất thế giới.

{keywords}

Ông Solomon Schechter nghiên cứu các tài liệu về người Do thái tại thư viện bí ẩn. Ảnh: Wikipedia

Lý giải về sự tồn tại lâu đời của số tài liệu này, các chuyên gia cho biết theo luật Do Thái, bất cứ tài liệu nào chứa tên của Đức Chúa Trời đều không thể bị vứt đi. Do đó, sau hàng ngàn năm, những tài liệu không còn giá trị sử dụng đã được tập trung lại một nơi trong khu vực và dần rơi vào quên lãng.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu về thư viện trên, ông Ben Outhwaite, kho tài liệu có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu về người Do Thái. Theo đó, các thương nhân Do Thái từng liên kết với người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo. Người Do Thái được đối xử nhân đạo hơn, và xu hướng bài Do Thái trong quá khứ cũng không quá phổ biến như những gì được biết hiện nay.

Theo Zing