Hôm nọ, tôi nhận được được số điện thoại lạ xin gặp, phía đầu dây xưng là các chủ lò gạch ở Huyện Quốc Oai, Hà Nội đang gặp nạn trong sản xuất. Tôi nói với họ rằng, cả đời làm báo tôi chỉ theo dõi vĩ mô, luật pháp, thể chế nên không rành chuyện vi mô, chuyện làm ăn của doanh nghiệp nên làm sao mà giải cứu họ khỏi “nạn” được. Nhưng rồi nghĩ, từng theo dõi Luật Doanh nghiệp 20 năm nay, không gặp họ là vừa hèn, vừa vô cảm nên tôi đồng ý.

Hóa ra họ là những ông chủ lò gạch còn đượm chất thô mộc, chất phác dù trong vai chủ doanh nghiệp tư nhân. Chuyện của họ đơn giản thế này. Có 9 doanh nghiệp đang sản xuất gạch nung bình thường từ hàng chục năm nay ở địa phương thì nhận được trát của Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai yêu cầu phải thu dọn nguyên vật liệu sản xuất gạch và trả lại mặt bằng trước ngày 1/6/2019. Nói ngắn gọn là họ phải đóng cửa. Trong khi đó, có 2 doanh nghiệp khác cùng huyện Quốc Oai lại được kéo dài hoạt động.

{keywords}
Nhiều công nhân nói, họ chỉ cần việc làm.

Tôi biết, chính quyền địa phương có cái lý của họ. Chuyện cấm các lò gạch nung đã được thành phố và Chính phủ đưa ra lộ trình khá nghiêm ngặt vì lo ngại ảnh hưởng xấu đến môi trường, từ chuyện khai thác đất, khói bụi, than,... Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước đều phải lên lộ trình thực hiện. Đó là một chủ trương đúng và nhiều đồng nghiệp của tôi đã từng lên tiếng.

Nhưng thực tế lại có cái lý của nó. Khi tôi về Quốc Oai sau đó, thấy các lò gạch nằm ngoài đê, xa khu dân cư, xung quanh rất nhiều cây xanh. Các lò đã được đầu tư, nâng cấp lên công nghệ lò vòng từ lâu nên không hề thấy khói, bụi bằng mắt thường; năm nào cũng được huyện thanh tra, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận môi trường. Hỏi dân ở xa xung quanh, chả thấy ai nói đến chuyện tranh cãi do ô nhiễm.

Điều đặc biệt, đất làm nguyên liệu được họ thu mua là đất được đào lên từ các công trình xây dựng trong nội đô Hà Nội. Bên cạnh đó, gạch của họ còn sử dụng 30% tro xỉ thu mua từ Nhà máy Nhiệt điện Phả lại, loại chất đang làm đau đầu bao nhiêu nhà máy nhiệt điện. Họ nói, nếu họ không sử dụng các nguyên liệu đó thì chính chúng mới gây ô nhiễm môi trường. Gặp nhiều người dân trong huyện, họ đều khẳng định là chỉ mua gạch nung xây nhà.

Ông Tạ Đức Đôn, đại diện cho 9 doanh nghiệp, dẫn tôi đi xem mấy lò gạch rồi cho biết, nhiều năm trước đây các lò gạch này đều là thủ công. Sau đó, các chủ lò đã đầu tư mỗi người khoảng 10 tỷ đồng để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, rồi được cấp phép sản xuất trước năm 2011. Đây là thời điểm trước khi Thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các địa phương không cấp phép cho đầu tư mới sản xuất gạch nung vào giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, tháng 7/2018 Thành phố tiếp tục ra văn bản số 3328 cho phép các địa phương lập kế hoạch và lộ trình chấm dứt các loại lò gạch đến năm 2020.

Các doanh nghiệp khẳng định hoạt động sản xuất của họ hoàn toàn phù hợp quy hoạch của thành phố. “Nguyện vọng của tất cả chúng tôi là được sản xuất đến năm 2020 như Thành phố cho phép, nếu không thì chúng tôi phá sản hết” ông nói với tôi.

Khi gặp tôi, những người công nhân người địa phương trông thật lam lũ, bịt kín mặt quây lại hỏi han. “Chúng tôi có phải đóng cửa không? Chúng tôi có mất việc làm không? Chúng tôi biết làm gì đây anh ơi!”, họ hỏi dồn dập mà tôi không biết nói thế nào. Mỗi lò gạch hiện đang có 50 công nhân, 9 lò không phải ít người. “Anh phải cứu chúng tôi nhé”, một người công nhân 72 tuổi cứ níu tay tôi lại nói khi chia tay.

Làm sao cứu được họ? Làm sao để cả những người chủ lò và công nhân lam lũ đó còn có việc làm? Mà đằng sau họ còn biết bao người khác. Những câu hỏi đó tôi không trả lời được, chỉ có chính quyền mà thôi.

Luật pháp phân minh, công bằng nhưng vô tình; thực tế cuộc sống đa dạng, phức tạp và lại cần nhân văn. Chả nhẽ tiếng kêu của họ không được ai lắng nghe?

Chính phủ đang ra sức cải thiện môi trường kinh doanh, ký kết các hiệp định thương mại nhằm thu hút vốn đầu tư của dân chúng cho sản xuất kinh doanh. Làm sao để các doanh nghiệp đang hoạt động, như những doanh nghiệp tôi gặp trong hoàn cảnh trớ trêu này, không phải đóng cửa?

Tư Giang