- Đặng Trần Tùng – một trong số ít người Việt Nam đạt điểm số tối đa 9.0 IELTS Speaking và hiện đang là thầy giáo dạy tiếng Anh được nhiều bạn trẻ yêu mến – đã chia sẻ một số tình huống “dở khóc dở cười” vì phát âm khi nói chuyện với người nước ngoài.
Tùng chia sẻ, khi sang Mỹ học đại học, cậu không gặp vấn đề gì nhiều với việc giao tiếp.
“Trước khi sang Mỹ, tôi cũng đã phần nào "copy" được cách phát âm giọng Mỹ qua việc bắt chước phim ảnh, nên chắc đây là một trong những yếu tố giúp tôi giao tiếp với người bản địa dễ hơn. Tuy nhiên, hồi đó có một số từ tôi phát âm sai, dù là những âm rất nhỏ thôi, nên cũng khiến những người bạn Mỹ thỉnh thoảng hơi ... đơ, không hiểu tôi muốn nói gì”.
Đặng Trần Tùng, cựu du học sinh Mỹ, hiện là thầy giáo dạy tiếng Anh |
Nhớ có lần lục tủ lạnh tìm mấy quả trứng để luộc ăn, hỏi cậu bạn chung nhà là: "Do we have any eggs in the fridge?", nhưng Tùng phát âm sai từ 'eggs' (/eg/) thành /egdʒ/, nên cậu bạn không hiểu là muốn đi tìm cái gì.
“Cuối cùng, tôi phải lấy một tờ giấy ra vẽ hình quả trứng. Bạn tôi ồ lên "Ooooh! Eggs!". Và sau đó, càng giao tiếp tôi càng thấy là dù những lỗi nhỏ như trọng âm sai, hoặc thừa, thiếu âm thôi cũng gây rào cản lớn trong việc người bản địa có hiểu mình hay không” – thầy giáo 9x chia sẻ.
Tùng cho biết, những thầy cô mà cậu đã học đều phát âm chuẩn. Tuy nhiên, chuẩn ở đây không có nghĩa là giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ, mà đa phần vẫn là Anh - Việt, nhưng nghe rõ ràng, có đầy đủ âm cuối và nối âm, nên rất dễ hiểu.
“Quay lại việc phát âm chuẩn bản xứ, tôi nghĩ đây là một trong những phẩm chất cực kì quan trọng của thầy cô, nhất là thầy cô nào dạy nhiều về Speaking. Lý do là không những phải truyền đạt cho học sinh cách phát âm đúng, mà khi học sinh nghe thầy cô phát âm chuẩn giống “native speakers”, họ cũng sẽ có cảm hứng để luyện phát âm chuẩn hơn. Trong trải nghiệm cá nhân, tôi có học một thầy người Việt dạy hồi cấp 3 nói đặc giọng Anh - Mỹ, và khi học thầy, tôi rất có động lực để làm hoàn hảo ngữ điệu Anh Mỹ của mình”.
“Tuy nhiên, tôi cũng không bận tâm lắm việc các thầy cô khác không phát âm giống "native speakers". Một phần là vì thời đó ít có cơ hội tiếp xúc với văn hoá phẩm tiếng Anh, hai là các kĩ năng mà những thầy cô này dạy cho mình chủ yếu là ngữ pháp, dịch và suy luận, nên việc phát âm giống ‘native speakers’ trong trường hợp này không quan trọng lắm, miễn không sai là được”.
Trên thực tế, có những bạn trẻ phát âm không chuẩn “native” cho lắm nhưng vẫn trúng tuyển các trường đại học lớn trên thế giới, vẫn có thể làm việc ở nước ngoài… Tùng thừa nhận thực tế này. Cậu cho rằng, mỗi quốc gia có một âm điệu khác nhau, và việc khó hiểu khi giao tiếp với nhau là hoàn toàn hiểu được.
“Ví dụ, tôi có chơi với một nhóm bạn người Sing, và khi nói chuyện thì 30-40% là tôi phải yêu cầu họ nói lại để nghe kĩ hơn. Ngược lại, khi tôi sang Thái và nói chuyện với người địa phương, mà nói ngữ điệu Mỹ câu "Can I have a banana smoothie?" thì không ai biết tôi nói gì, nhưng khi vợ tôi nói tiếng Anh - Thái câu: "Can I have a 'bờ-na-nà sờ mút thì?" thì ai cũng hiểu”.
Vậy nên, theo Tùng, chúng ta nên vẽ ra ranh giới giữa những hạn chế phát âm từ ngôn ngữ mẹ đẻ và tiêu chuẩn người bản địa mà ai cũng hướng tới. “Theo tôi, người học tiếng Anh nào cũng nên cố gắng để phát âm chuẩn, nhưng đừng để việc đó cản trở đam mê ngôn ngữ của mình. Có rất nhiều nét đẹp về tiếng Anh mà người ta có thể khám phá như cách dùng từ và các câu thành ngữ, và không nhất thiết là mình phải phát âm giống "native speakers" thì mới có thể tận hưởng trọn vẹn những tinh hoa này”.
- Nguyễn Thảo (ghi)