Lời nói thẳng 

Một lần, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng triệu tập toàn thể cán bộ lãnh đạo của ngành để thuyết trình suốt 4 giờ về hàng loạt vấn đề phát triển của đất nước. Đó là buổi nói chuyện vô tiền khoáng hậu và ông muốn truyền những trăn trở của mình cho những cán bộ trẻ tuổi hơn. 

{keywords}
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ông nói, quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu như vậy là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 136/188 quốc gia, sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau Philipines 6 năm… Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar. 

Ông chia sẻ, chúng ta đang đuổi theo các nước, cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với họ. Vấn đề là người ta không đứng đợi. Đi sau mà muốn đuổi kịp thì chỉ có cách chúng ta phải chạy nhanh, chạy bền, liên tục mà thôi. 

Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi: “Vì sao? Vì sao chúng ta lại chậm như vậy?”, “Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc… từng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau chiến tranh, chỉ mất 40 năm để tiến lên nhóm top 10 thế giới?”, “Vì sao Việt Nam có các yếu tố cơ bản như con người, tài nguyên, vị trí địa lý mà đến nay vẫn kém phát triển?”, “Vì sao chúng ta không hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020?”. 

Những câu hỏi đầy trăn trở, các số liệu thuyết phục về tất cả các lĩnh vực của ông Dũng, một trong những người phụ trách dự thảo báo cáo kinh tế xã hội cho Đại hội Đảng 13, đã làm ngỡ ngàng không ít cán bộ trẻ hôm đó. 

KH-ĐT là một ngành tổng hợp, kéo dài suốt trong lịch sử từ khi lập quốc, trải qua thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đến đổi mới và ngày nay là kinh tế thị trường. Những người tiền nhiệm của ông Dũng như ông Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh đều nổi tiếng về sự thẳng thắn và có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy các nhân tố thị trường, vun vén từng mầm phát triển từng bị kìm hãm dưới thời kỳ kế hoạch hóa. 

Cũng như ông Dũng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng đưa ra những cảnh báo rất thẳng thắn về tình trạng tụt hậu và sự thôi thúc chấn hưng đất nước. 

Tại Đại hội Đảng 12 vào tháng 1/2016, ông Vinh nói: “Có lẽ rất ít ai biết rằng, đầu thế kỷ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng hơn 1/3 của Thái Lan”. 

Ông Vinh nói tiếp: “Chúng ta đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian tương đương với thời gian để Hàn Quốc, Nhật Bản… từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa, hiện nay, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết…”. 

Dấu ấn trong thị trường 

Thật đáng để ôn lại một số phát biểu rất trăn trở của lãnh đạo ngành KH-ĐT nhân ngày kỷ niệm 75 năm lịch sử của ngành. KH-ĐT là một trong những ngành lâu đời nhất của đất nước với những tên tuổi như các ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đã lên làm Thủ tướng sau khi phụ trách ngành. 

Trong chiến tranh, vai trò của kế hoạch rất quan trọng để tính từng cân muối, cân gạo cho chiến trường trong cân đối với xã hội. Trong xây dựng kinh tế thị trường sau Đổi mới, chính ngành Kế hoạch tưởng bảo thủ một thời lại là một trong những ngành đi đầu thúc đẩy cải cách, dỡ bỏ các rào cản ngổn ngang để mở đường cho người dân và doanh nghiệp phát triển. 

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá đã trải qua các va chạm trên thượng tầng khi bảo vệ luật Doanh nghiệp 1999, khơi thông dòng chảy cho khu vực tư nhân từng bị kìm nén nhiều thập kỷ.

Trong nhiều cuộc họp có ý kiến nặng nề quy chụp rằng, để kinh tế tư nhân phát triển thì họ sẽ tiến tới làm chủ về kinh tế và nhiều mặt khác. “Phát triển kinh tế tư nhân là chuyển đổi cơ cấu, thành phần trong nền kinh tế, vì thế, khi thảo luận luôn có sự đấu tranh quyết liệt và dai dẳng”, ông kể lại. 

Rất đáng mừng là luật Doanh nghiệp đã giúp hình thành nên tầng lớp doanh nghiệp dân tộc với nhiều tỷ phú đô la xuất hiện. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp phần to hơn trong chiếc bánh GDP và góp phần vào tăng trưởng, giữ việc làm không chỉ trong năm Covid đầy khó khăn và chia cắt này. 

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày cuối cùng trên ghế Bộ trưởng với người viết bài này hồi tháng 8/2011, ông Võ Hồng Phúc khẳng định, điều ông vẫn còn trăn trở, băn khoăn nhất là (quản lý) doanh nghiệp nhà nước, khu vực chiếm nhiều nguồn tài nguyên lớn nhất nhưng hoạt động kém hiệu quả. Ông Phúc đã buộc khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI chơi một sân chơi chung với khu vực tư nhân khi thống nhất một luật Doanh nghiệp năm 2005. 

{keywords}
Khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI chơi một sân chơi chung với khu vực tư nhân khi thống nhất một luật Doanh nghiệp năm 2005

Ông Phúc góp phần thúc đẩy các nhân tố thị trường không chỉ qua các luật, mà còn qua các phát biểu ở các diễn đàn chính thức. Tại Đại hội Đảng 11 vào tháng 1/2011, ông Phúc nêu băn khoăn về một điểm trong báo cáo chính trị “xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. 

Quan điểm “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, ông nói, khác quan điểm từng được thống nhất trong các kỳ Đại hội và được xác lập tại Đại hội 10 là “xã hội chủ nghĩa dựa trên một quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất”.

Phân tích thực tiễn ở Việt Nam và các bài học ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, ông Phúc nói: “Nếu chúng ta công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu thì ai dám đầu tư xây dựng nhà máy điện? Ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng khi chúng ta đang thiếu cơ sở hạ tầng?”. 

Theo ông, phát huy dân chủ, thu hút tối đa nguồn lực của toàn xã hội, phát huy sức mạnh, nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là bài học đã được thực tiễn kiểm chứng. 

Quan điểm đó đã được tiếp thu tại Đại hội. Sức mạnh của thị trường đươc cổ vũ, nguồn lực của người dân được đảm bảo cho xây dựng đất nước. 

Sức mạnh của cơ chế và tư duy 

Một lần đầu nhiệm kỳ này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung được phân công phát biểu tại hội nghị ngành KH-ĐT. Hội nghị đó có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Vương Đình Huệ. 

Lúc đó, đang có quan điểm hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT xuất phát từ sức ép giảm đầu mối, giảm biên chế của bộ máy hành chính. Hơn nữa, người ta cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì không cần một cơ quan kế hoạch nữa. 

Ông Cung nêu hàng loạt bài học thành công của các quốc gia Đông Á để thấy tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về cải cách và phát triển như MITI của Nhật Bản, UB Kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc, UB Phát triển kinh tế của Singapore, UB Cải cách và phát triển quốc gia ở Trung Quốc.  

Ông kiến nghị: “Tôi cho rằng đề xuất đó là chưa phù hợp với trình độ phát triển hiện nay cũng như yêu cầu cải cách và phát triển đất nước trong 10-15 năm tiếp theo. Không nên vì giải quyết một số bất hợp lý trước mắt mà bỏ qua sự cần thiết và vai trò cốt lõi cần có của một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển đất nước”. 

Kiến nghị của ông Cung và nỗ lực của nhiều người khác đã được lãnh đạo Đảng và Chính phủ ghi nhận. 

Về phần mình, ông Dũng vẫn tiếp tục thúc đẩy các nhân tố thị trường thông qua việc chủ trì các luật như PPP, Doanh nghiệp sửa đổi, Đầu tư công, Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… để tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào phát triển kinh tế. 

Trong buổi nói chuyện lần đó, ông yêu cầu các cán bộ của ngành: “Các anh, chị phải luôn tiên phong trong đổi mới, cải cách dù lúc này, lúc khác phải đối diện với những xu hướng, quan điểm bảo thủ. Từng người phải trăn trở trước thực tại của đất nước, suy nghĩ đến công việc cụ thể của mình, tự đánh giá xem đã tham mưu, đề xuất được những gì cho Đảng, Nhà nước chứ không được thụ động, ngồi im”. 

Tư Giang - Lan Anh

Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền

Muốn đuổi kịp các nước, Việt Nam phải chạy nhanh, chạy bền

Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Chúng ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, vấn đề là họ không đứng đợi…