LTS: Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gần đây có bài thuyết trình đầy tâm huyết với các cán bộ của Bộ về những vấn đề phát triển. Nhận thấy những vấn đề ông nêu ra không chỉ đúng với quản lý ngành, mà còn đúng với những đòi hỏi của đất nước nói chung, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung này với mong muốn được tiếp thu thêm những góp ý của độc giả cho công cuộc phát triển.
Bài 1: Một số vấn đề then chốt về phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Từ một quốc gia đói nghèo, kiệt quệ bởi chiến tranh và cô lập, chúng ta đã vươn lên rất mãnh liệt.
Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người trước năm 1990 chỉ vào khoảng 100 USD đã tăng lên hơn 2.800 USD hiện nay. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được cải thiện, nâng cấp rõ rệt. Không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế, chúng ta còn củng cố tiềm lực quốc phòng để bảo vệ đất nước.
Những thành tựu như vậy là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều yếu kém, tồn tại và thách thức.
Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 136/188 quốc gia, sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau cả Philippines khoảng 6 năm… Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Chúng ta đang đuổi theo các nước, cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với họ. Vấn đề là người ta không đứng đợi chúng ta. Đi sau mà muốn đuổi kịp họ thì chỉ có cách chúng ta phải chạy nhanh, chạy bền, chạy liên tục mà thôi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đến giờ này rất ít người nói về công nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại và tôi thật sự thấy rất buồn. Ảnh: Lê Tiên |
Tôi muốn các bạn đặt ra câu hỏi trăn trở: Vì sao chúng ta lại chậm như vậy?
Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia từng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau chiến tranh, chỉ mất 40 năm để tiến lên nhóm top 10 thế giới?
Vì sao Việt Nam có các yếu tố cơ bản như con người, tài nguyên, vị trí địa lý mà vẫn kém phát triển, nền kinh tế vẫn thiếu vững chắc?
Rất ít người nói về công nghiệp
Tôi thử đưa ra một số gợi ý. Chúng ta thiếu các ngành kinh tế cơ bản như công nghệ chế tạo, công nghệ nguồn. Các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng đang mất dần. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá rất chậm. Đến giờ này rất ít người nói về công nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại và tôi thật sự thấy rất buồn. Đất nước chúng ta không thể trở nên hùng cường và thịnh vượng nếu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thành công.
Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng ngày nay khu vực này như thế nào? Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang chìm ngập trong khó khăn. Có 12 dự án yếu kém thì xử lý quá chậm, làm lãng phí rất lớn. Chúng ta chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào khởi công được công trình lớn nào trong suốt các năm qua. Vậy làm sao khu vực doanh nghiệp này đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế? Khu vực này lấy đâu ra phát triển để đóng góp cho tăng trưởng trong những năm tới?
Phát triển tiếp như thế nào nếu không nắm được công nghệ?
Chúng ta chưa đủ năng lực sáng tạo để làm chủ các công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Chúng ta phát triển tiếp như thế nào nếu chúng ta không nắm được công nghệ? Chẳng lẽ, chúng ta chỉ gia công, lắp ráp mãi, còn lại những thứ mang lại giá trị gia tăng cao thì nước ngoài chiếm lĩnh hết?
Chúng ta cứ nói liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhưng không nắm được công nghệ thì có thể chơi được với ai một cách ngang ngửa, bình đẳng? Ngay cả công nghệ sẵn có thì chúng ta cũng phải có tiền để nhận chuyển giao. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam rất khó về nhiều mặt.
Đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm
Đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế có tiến bộ trong mấy năm qua nhưng còn chậm lắm.
Hạ tầng của chúng ta phát triển quá chậm, không giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh. Chi phí logistics quá lớn, các chi phí đầu vào cao làm doanh nghiệp rất khó cạnh tranh trên sân nhà. Mà trên sân nhà chưa cạnh tranh được thì nói gì đến hội nhập, nói gì đến sân khách.
Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên nhưng tài nguyên thiên nhiên thì đã cạn kiệt rồi. Thuỷ điện hết rồi, than phải đi nhập, dầu càng ngày càng cạn kiệt.
Mấy năm vừa qua, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, chưa rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực, hiệu quả chưa cao. Các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đều có thứ hạng thấp. Các chỉ số phát triển bền vững của chúng ta đều ở mức trung bình thấp. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất thấp. Tức là trong các bảng xếp hạng của thế giới, chúng ta vẫn thường đứng ở nửa dưới.
Doanh nghiệp trong nước kết nối rất kém với khu vực FDI
Trong khi đó, xuất khẩu, thương mại, đầu tư của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI, ngày nay đã chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tôi rất lo lắng là doanh nghiệp trong nước lại kết nối rất kém với khu vực FDI.
Tổ hợp Samsung xuất khẩu 60 tỉ USD/năm nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi của họ |
Có chuyên gia nói với tôi là chúng ta đang có 2 khu vực doanh nghiệp trong một nền kinh tế, hai khu vực này tách biệt, không gắn kết với nhau gì cả. Cả một tổ hợp Samsung xuất khẩu 60 tỉ USD một năm nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi của họ. Trong khi đó, một tổ hợp tương tự ở Thái Lan thì phải hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan tham gia.
Nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào một vài thị trường, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Đây không phải là điều gì mới vì cả thế giới cũng phụ thuộc họ. Trung Quốc có các chính sách phát triển rất đặc biệt, công nghiệp nền tảng của họ rất tốt, chính sách thuế tốt. Họ hỗ trợ các vùng nguyên liệu. Giá thành hàng hoá, nguyên liệu rất rẻ.
Luật pháp vừa thiếu vừa chồng chéo, xung đột
Yếu kém về thể chế đã được xác định là một trong các nút thắt của nền kinh tế. Luật pháp của chúng vừa thiếu lại vừa chồng chéo, xung đột, vướng mắc.
Trong không ít trường hợp, càng có thêm quy định càng rối hơn, càng vướng hơn. Vì sao vậy? Dù Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất cố gắng, tốc độ ban hành luật tốt, nhưng chất lượng luật lại chưa tốt tương xứng. Cơ chế của chúng ta là cơ quan hành pháp xây dựng luật pháp, cơ quan lập pháp thì bổ sung, thông qua. Nếu hai cơ quan không phối hợp tốt thì chưa chắc đã đảm bảo chất lượng luật tốt. Tức là khâu tổ chức xây dựng pháp luật đang có vấn đề…
Trong quá trình soạn thảo luật phải kịp thời thông tin cho báo chí và báo chí phải được tham gia và chủ động tham gia, nếu không thì hệ lụy rất lớn, thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình soạn thảo và ban hành luật.
Ở một số bộ ngành khi soạn thảo các văn bản pháp luật, họ không muốn thay đổi, họ níu giữ lại quyền của mình nhân danh quản lý nhà nước chứ không nhìn rộng ra vì lợi ích của đất nước. Bên cạnh đó, công tác triển khai, thực thi pháp luật cũng có nhiều vấn đề, thiếu quyết liệt, không nghiêm. Có những nơi cấp trên nói, cấp dưới không nghe. Tôi nói thế thì động chạm, nhưng vẫn phải nói để cảnh báo, để rút kinh nghiệm.
Chúng ta thiếu tư duy quản lý mang tính kiến tạo cho phát triển. Người dân vẫn rất than phiền, doanh nghiệp vẫn đang rất khốn khổ vì sự yếu kém của cán bộ các cấp, mà càng xuống thấp càng phức tạp, càng phiền nhiễu.
Từng cán bộ phải trăn trở trước thực tại của đất nước
Bộ KH&ĐT phải luôn tiên phong trong đổi mới, cải cách dù lúc này, lúc khác phải đối diện với những xu hướng bảo thủ. Yêu cầu từng công chức, cán bộ phải trăn trở trước thực tại của đất nước, suy nghĩ đến công việc cụ thể của mình, tự đánh giá xem đã tham mưu, đề xuất được những gì cho Đảng, Nhà nước.
Chúng ta phải tự trang bị kiến thức, phải học hỏi cả cuộc đời. Nghe, đọc, nghĩ, viết, nói, làm - các kỹ năng đó cần được trau dồi. Trên thực tế, có người nói mà không chịu đọc, không chịu nghĩ… Nhiều người nói hay nhưng không làm được. Nhiều người nghĩ được nhưng không dám làm. Nhiều người thậm chí chẳng nói, chẳng làm.
Tóm lại: Thành tựu đất nước sau 35 năm Đổi mới là toàn diện và đáng tự hào. Tuy vậy, những thách thức cho phát triển đất nước là khá lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là cải cách thể chế và tổ chức thực hiện của chúng ta thiếu quyết liệt, thiếu nhất quán để mạnh mẽ chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Tư Giang
Kỳ sau: Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước
Lòng dân và thước đo giá trị của Đảng cầm quyền
“Mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết về những công việc cần làm với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.