Theo cơ quan chức năng, trong các kỳ nghỉ lễ, áp lực giao thông trong tăng cao trên tất cả các tuyến đường, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch. Tuy nhiên, với việc hoàn thành và đưa vào khai thác các đoạn tuyến cao tốc trước các kỳ nghỉ lễ, việc di chuyển qua các tỉnh, thành đã được rút ngắn cả về quãng đường và thời gian.

Thêm 109km cao tốc sau 1 năm

Thời điểm này một năm về trước, 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được cắt băng khánh thành. 

Sau khi đi vào khai thác, thời gian di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa và từ TP.HCM về Bình Thuận được rút ngắn xuống còn khoảng 2 giờ.

Trong đó, dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45  có tổng chiều dài 63,37km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02km). Còn dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. 

Như vậy, sau khi đưa vào khai thác thêm 2 đoạn tuyến cao tốc trên, tính đến tháng 4/2023, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã hoàn thành và đưa vào khai thác 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 525km. 

cao toc dien chau 5 124.jpeg
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt trước ngày thông xe. Ảnh: Minh Hiền 

Một năm sau, ngày 28/4/2024, Bộ GTVT tiến hành tổ chức lễ khánh thành và đưa vào khai thác thêm 2 đoạn tuyến trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến quốc lộ 46B). 

Đây là hai đoạn tuyến cuối cùng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Được triển khai theo hình thức PPP. Quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với tinh thần "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", thi công "3 ca, 4 kíp", hai dự án kịp thông xe phục vụ người dân đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Tiếp tục rút ngắn hành trình giữa TP.HCM - TP. Nha Trang và Hà Nội - TP. Vinh 

Tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49,3km đi qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được khởi công tháng 5/2021, với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng hơn 5.090 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án hơn 6.067 tỷ đồng.

cao toc dien chau 11 130.jpeg
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: Minh Hiền 

Tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe. Trước đó, tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) còn 3,5 giờ thay vì mất hơn 5 giờ như trước. Thế nhưng, khoảng thời gian này sẽ được tiếp tục rút ngắn khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác đến quốc lộ 46B, ngay sát TP Vinh.

Ông Phùng Thế Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, dự án có tới 5 nhà đầu tư, giai đoạn đầu, việc kết nối của 5 nhà đầu tư có một số khó khăn. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó các nhà đầu tư đã nỗ lực để cùng nhau đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Với tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đây là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

w cao toc 9 1 1168.jpeg
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ảnh: Tuệ Nhi 

Chiều dài 79km được khởi công tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 5.139 tỷ đồng. 

Điểm đầu của cao tốc ở Km54+00 phía sau nút giao Cam Ranh (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại Km134+00 phía trước nút giao Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

w cam lam 2 1 125.jpeg
Cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm sẵn sàng cho ngày thông xe. Ảnh: Tuệ Nhi

Cao tốc được đầu tư phân kỳ, giai đoạn đầu quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác tối đa 90km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100- 120km/h. 

Dự án đi qua địa phận TP Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, các huyện Thuận Bắc, Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận và huyện Tuy Phong của tỉnh Bình Thuận. 

W--cao-toc-cam-lam-vinh-hao.jpg
Tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hành trình giữa TP.HCM - TP. Nha Trang. Ảnh: Minh Hiền 

Đại diện Bộ GTVT cho biết, việc hoàn thành và đưa vào khai thác thác 2 dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến QL46B) sẽ rút ngắn hành trình di chuyển và thời gian kết nối giữa TP.HCM đến TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Hà Nội đến TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).

Với việc đưa vào khai thác tuyến mới sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, giảm tải áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 1A.

“Sự thành công của 2 dự án này cùng với dự án PPP đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã đưa vào khai thác trước đó đã thêm một lần khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả của chủ trương huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước”, đại diện Bộ GTVT thông tin. 

Đã đưa vào khai thác 634km đường cao tốc 

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). 

Đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 525km, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (15km); Mai Sơn - quốc lộ 45 (63km); quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43km); Nghi Sơn - Diễn Châu (50km); Cam Lộ - La Sơn (98km); Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP 49km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km); Phan Thiết - Dầu Giây (99km) và cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (7km).

2 dự án thành phần PPP còn lại gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo; nâng tổng số chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đưa vào khai thác đến nay là 634km.