Năm 2024 đã chứng kiến những phát triển vượt bậc của các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như sự mong manh của thế giới ngoài đời thực trước những sai sót tưởng chừng rất nhỏ trên mạng. Dưới đây là những xu hướng công nghệ thế giới nổi bật nhất năm nay.

“Bình dân hóa AI”

AI đã chuyển từ một đổi mới mang tính “ngách” sang công cụ phổ biến trên mọi lĩnh vực. Tỷ lệ ứng dụng AI tăng mạnh với 50% tổ chức tích hợp AI trong ít nhất một chức năng nào đó.

Việc ứng dụng rộng rãi là nhờ các giải pháp AI nguồn mở và chi phí hệ thống giảm, giúp doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng dễ tiếp cận hơn.

Dù vậy, nó cũng đi cùng những khuyến cáo về quản trị khi sử dụng AI và tích hợp dữ liệu vì khi nạp dữ liệu vào các hệ thống, người khác có thể xem và khai thác nó.

Trong năm 2024, hàng loạt các hãng công nghệ lớn đã ra mắt các sản phẩm AI. Microsoft công bố bộ công cụ AI mới, bao gồm “trợ lý cá nhân” được thiết kế để giúp người dùng xử lý công việc mà không cần hoặc “nhúng tay” rất ít.

Vào tháng 9, Apple trình làng dòng iPhone mới, dùng những con chip đặc biệt hỗ trợ tính năng AI. CEO Tim Cook cho biết các mẫu này được thiết kế dành cho Apple Intelligence ngay từ ban đầu.

Các chuyên gia sử dụng AI để cải thiện mô hình dự báo thời tiết. Một hệ thống kết hợp các phương pháp dự báo truyền thống và hiện đại để cung cấp bức tranh hoàn chỉnh nhất về thời tiết và khí hậu.

AI tạo sinh bùng nổ với những tuyên bố liên tiếp từ OpenAI, Google, Microsoft, Meta. Cuộc chạy đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gay cấn khi một số mô hình AI của đại lục được đánh giá ngang ngửa, thậm chí vượt qua đối thủ Mỹ về hiệu suất.

Mỹ tăng cường ‘quản’ doanh nghiệp công nghệ

Năm 2023, một bồi thẩm đoàn xác định chợ ứng dụng Google độc quyền bất hợp pháp. Tháng 8/2024, một thẩm phán liên bang ra phán quyết về việc Google vi phạm luật thương mại, độc quyền bất hợp pháp thị trường tìm kiếm.

Công ty bị cáo buộc đã trả tiền cho các nhà sản xuất smartphone để bảo đảm công cụ tìm kiếm của mình là mặc định trên thiết bị.

Để xử lý, chính phủ Mỹ đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế Google thực hiện hành vi phản cạnh tranh, trong đó ép “gã khổng lồ” bán trình duyệt Chrome. Google chỉ trích phán quyết của tòa án.

Không chỉ tăng cường siết quản lý đối với doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ cũng nhằm vào các công ty nước ngoài như TikTok. Chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu TikTok thoái toàn bộ vốn Trung Quốc trước ngày 19/1/2025 nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã can thiệp bằng cách gửi hồ sơ lên Tòa án Tối cao. Tòa sẽ nghe lập luận từ hai bên vào ngày 10/1/2025.

Thế giới vật lý gián đoạn vì sự cố máy tính

crowdstrike bloomberg

'Màn hình xanh chết chóc' hiển thị tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York (Mỹ) ngày 19/7/2024. Ảnh: Bloomberg

Vào tháng 7, hệ thống máy tính toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự cố kỹ thuật với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Máy tính tại các sân bay, ngân hàng, bệnh viện… trở nên vô dụng và hiển thị “màn hình xanh chết chóc”.

Thế giới vật lý gặp tổn thất nặng nề vì một lỗi xuất phát từ phần mềm Falcon của công ty an ninh mạng CrowdStrike. Bản cập nhật của Falcon khiến máy tính Windows gặp sự cố, khởi động liên tục. Do tính chất phổ biến của Falcon trong giới khách hàng doanh nghiệp, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến họ phải trả giá.

Sự cố Falcon phơi bày sự mong manh của thế giới thực trước những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ trên môi trường máy tính. Ước tính, các công ty trong danh sách Fortune 500 bị tổn thất 5,4 tỷ USD.

Hãng hàng không Delta Air Lines đang kiện CrowdStrike, đòi bồi thường hơn nửa tỷ USD vì lỗi Falcon khiến họ phải hủy 7.000 chuyến bay và hành khách của họ bị mắc kẹt tại các sân bay trên toàn thế giới.

Cuộc "diễu hành" của Bitcoin và tiền mã hóa

Đầu tháng 12, Bitcoin phá mốc 100.000 USD nhờ tâm lý lạc quan rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chuyển sang các quy định thân thiện thay vì đàn áp thị trường tiền số.

Thị trường tiền số nói chung đã tăng hơn 1.000 tỷ USD kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11.

Dù hiện tại, Bitcoin không còn duy trì mốc này, các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào Bitcoin như một tài sản trú ẩn giá trị, tăng cường đầu tư vào tiền mã hóa. Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư tổ chức cũng xem tài sản kỹ thuật số như những khoản đầu tư đáng cân nhắc và đa dạng hóa danh mục.

2024 có thể xem là năm bước ngoặt với tiền mã hóa với những cột mốc lịch sử và chính sách quản lý dần hình thành. Chúng tạo tiền đề cho tương lai tài chính phi tập trung trên toàn cầu.

Nvidia và CEO Jensen Huang “chiếm sóng” trên toàn cầu

Nvidia đã có một năm 2024 đại thành công mà hầu hết các doanh nghiệp khác chỉ có thể “nằm mơ”. Doanh thu và cổ phiếu hãng bán dẫn tăng vọt, đưa vốn hóa vượt mốc 3.000 tỷ USD và có lúc đánh bại Apple để trở thành công ty đại chúng lớn nhất thế giới.

Kết quả này là nhờ cuộc chạy đua đầu tư vào công nghệ AI của “người người, nhà nhà”, kéo theo những đơn hàng mua sắm chip AI khổng lồ.

CEO Jensen Huang trở thành “ngôi sao” của làng công nghệ cùng với Elon Musk. Ông đi khắp thế giới trong chiếc áo khoác da biểu tượng, gặp gỡ các lãnh đạo nhà nước, chính trị gia, tỷ phú… và công bố các dự án tỷ USD.

Với hàng loạt sản phẩm mới được săn đón như chip Blackwell, việc lật đổ Nvidia trong năm 2025 sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi của bất kỳ hãng bán dẫn nào.