Chỉ “mở cửa” 3 sân bay cho tư nhân
Trong “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không”, đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến, sau khi phân tích về kinh nghiệm xã hội hóa đầu tư cảng hàng không trên thế giới, phần lớn văn bản dành để nói về vai trò, lợi thế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại các cảng hàng không hiện nay.
Ngoài 22 sân bay ACV đang đầu tư, khai thác và quản lý, cùng với sân bay quốc tế Long Thành đang có chủ trương giao ACV đầu tư, thì duy nhất còn 3 sân bay Sa Pa (mới được phê duyệt quy hoạch), Lai Châu và Quảng Trị là ACV chưa lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn đến 2025.
Do đó, Bộ GTVT đề xuất danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư toàn cảng là Sa Pa, Lai Châu và Quảng Trị. Đây hầu hết là các cảng hàng không nhỏ, địa bàn khó khăn, tiềm năng về lượng khách không cao.
Danh mục không thực hiện xã hội hóa đầu tư là 22 cảng do ACV quản lý khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên tư nhân đầu tư toàn bộ |
Và tại 23 cảng này, ACV cũng chỉ có thể xã hội hóa đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không.
Điều này gây ra nhiều thắc mắc: Tại sao Bộ GTVT lại đề xuất và “khoanh vùng” giao cho ACV những cảng hàng không “siêu lợi nhuận” và chỉ xã hội hoá những cảng “khó nhằn”? Tại sao lại không phải là những cảng hàng không lớn, có hiệu quả mới hấp dẫn nhà đầu tư?
Chính vì thế, góp ý vào dự thảo Định hướng Xã hội hóa hàng không cảng hàng không của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV với 22 cảng hàng không trên để làm cơ sở xem xét quyết định việc thực hiện xã hội hóa đầu tư toàn bộ các cảng hay tiếp tục giao ACV mà chỉ xã hội hóa một số hạng mục.
Nếu ACV quản lý không hiệu quả, thì trừ các sân bay không phải là thiết yếu, quan trọng, nên mở rộng cửa cho tư nhân tham gia đầu tư - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Chưa kể, ACV hiện là một công ty cổ phần, không phải là cơ quan đại diện cho Nhà nước để thay mặt Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư tư nhân để đầu tư.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại kiến nghị: “Việc tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư những hạng mục này do ACV chủ trì thực hiện trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành" - bởi đề xuất này chẳng khác gì ưu ái, “bật đèn xanh” cho riêng ACV?
Đồng tình với quan điểm trên, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng ACV là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (95,4%), không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, việc giao ACV chủ trì tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu từ những hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không là chưa phù hợp .
Bộ Xây dựng cũng đề nghị cân nhắc việc giao ACV thực hiện các công việc trong vai trò của cơ quan nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng sân bay do ACV là công ty cổ phần có yếu tố tư nhân.
Không nên giới hạn danh mục đầu tư
Ngoài việc chưa đánh giá về hiệu quả quản lý, khai thác 22 sân bay của ACV, góp ý với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng nhận xét: Nội dung dự thảo tờ trình cũng chưa đánh giá tổng thể về khả năng quản lý, khai thác và hiệu quả của đầu tư tư nhân tại các hạng mục nhà ga ở sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh và toàn bộ cảng hàng không Vân Đồn,... so với hình thức đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.
Hạ tầng quá tải, các hãng hàng không xếp hàng chờ bay |
Từ đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT xem xét lại đề xuất chỉ kêu gọi xã hội hóa đầu tư toàn cảng đối với 3 sân bay trên và đề xuất chỉ kêu gọi xã hội hóa đầu tư một số hạng mục công trình không thiết yếu trong cảng hàng không, công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không đối với 23 cảng hàng không còn lại.
Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, Bộ GTVT không nên giới hạn danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hoá. Việc xác định một cảng hàng không, công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không kêu gọi xã hội hoá đầu tư cần dựa trên nhu cầu đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn.
Vietjet Air - hãng hàng không từng đề nghị được tham gia đầu tư hạ tầng sân bay, kiến nghị nên đẩy mạnh phương thức xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không, cho phép xã hội hóa một phần hoặc toàn phần trên toàn bị mạng cảng hàng không Việt Nam.
Một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng là cải cách cơ chế, phân định rõ trách nhiệm, tạo hành lang pháp lý để thu hút các nguồn lực trong xã hội, xã hội hóa việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không. Các cơ chế chính sách hướng dẫn cần minh bạch, nhanh chóng, tạo điều kiện cho ngành phát triển nhanh và mạnh - Vietjet Air đề xuất.
Như vậy, thay vì kiểu chỉ định “cho sân bay nào thì được sân bay đó”, điều các DN mong đợi là cần có sự tổng kết, đánh giá lại hiệu quả đầu tư của ACV tại 22 sân bay cũng như hiệu quả của đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này, từ đó đưa ra được một cơ chế chung, một sân chơi công bằng, lành mạnh, minh bạch có sự hiện diện của các nhà đầu tư tư nhân.
Ngọc Hà
22 sân bay Việt bằng 1 sân bay Thái, Nội Bài, Sài Gòn, Đà Nẵng quá tải
Thừa nhận hạ tầng sân bay quá tải, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam còn nhận xét “cứ gỡ nút thắt này lại nảy sinh nút thắt khác”, khiến không chỉ hàng không mà cả ngành du lịch cũng bị vạ lây.