Ni cô Huyền Trang Thanh Loan kể chuyện sống chung với mẹ chồng - 1

"MẸ TÔI ĂN CƠM VỚI QUẢ CÀ, NƯỚC LÃ, ĐỂ DÀNH TIỀN LO CHO GIA ĐÌNH, HỌ HÀNG"

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhắc nhớ về mẹ và những ký ức, cô sẽ hình dung về điều gì?

NSƯT Thanh Loan: Mẹ tôi mất đã từ lâu (1911-1982), hình ảnh về bà luôn là một vùng ký ức lấp lánh trong trái tim tôi. Lúc mẹ còn sống là những ngày bao cấp, đất nước áp dụng chế độ tem, phiếu, ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, mặc đồ vá vai…

Thế hệ bà tôi, mẹ tôi đều chưa biết đến ngày 8/3 là gì.

Sau này, khi cuộc sống dần thay đổi, mọi thứ đủ đầy hơn, chúng tôi mới dần biết đến những ngày kỉ niệm. Còn giờ đây, những ngày lễ đã trở nên quá phổ biến rồi. Việc con, cháu chúc mừng bà, mẹ,… đã trở thành một nét văn hóa.

Tôi xót xa mỗi khi nhớ lại hình ảnh bà và mẹ tôi cả một đời lam lũ, vất vả, chưa có được một ngày sung sướng...

Mẹ là người phụ nữ tôi rất kính phục! Bà chịu thương, chịu khó, tần tảo buôn bán, thắt lưng buộc bụng nuôi 8 người con ăn học, trưởng thành.

Sau này khi đã già yếu, mẹ vẫn bán hàng quà ở chợ. Những ngày nắng như thiêu như đốt, mẹ vẫn cần mẫn như thế. Cả cuộc đời mẹ tằn tiện, kham khổ nuôi con, nhiều khi chỉ ăn cơm với quả cà, nước lã… Có tiền mẹ lại lo cho con cháu, cưu mang họ hàng, không hưởng thụ riêng mình.

Mỗi lần nghĩ lại hình ảnh mẹ, tôi lại thấy tiếc thương. Ước gì thời đó chỉ bằng được 1/10 bây giờ thôi thì mẹ cũng bớt khổ, có lẽ bà cũng sẽ không mất sớm như thế…

Ni cô Huyền Trang Thanh Loan kể chuyện sống chung với mẹ chồng - 2

Đức tính nào ở mẹ mà cô học được rõ nét nhất?

- Đó chính là sự san sẻ yêu thương, quan tâm đến mọi người. 8 anh chị em chúng tôi (anh cả tôi mất rồi) đều thừa hưởng đức tính tốt đẹp của bố mẹ là sống quan tâm đến mọi người.

Tôi cũng giống mẹ ở tính giản dị, ăn tiêu tằn tiện để có tiền dư giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Bản thân tôi chưa bao giờ dám mua cho mình chiếc áo nào tiền triệu nhưng sẵn sàng có thể giúp đỡ một, hai triệu đồng cho bà con họ hàng, những người khó khăn.

Qua lời kể của nhiều người, mẹ cô trước đây cũng là một người phụ nữ đẹp nức tiếng?

- Ngày xưa, mẹ tôi cũng được xếp vào hàng xinh gái, đảm đang, tháo vát…

Mọi người gọi mẹ tôi là "bà Tám" và khen bà đẹp có tiếng ở Lĩnh Nam (Hà Nội) một thời. Mẹ là con gái út, trên bà có 7 người anh trai, bà lo toan, đỡ đần công việc cho các anh.

"MẸ CHỒNG TÔI LÀ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ TUYỆT VỜI"

Cô còn nhớ cái Tết đầu tiên về nhà chồng, xa bố mẹ?

- Tôi may mắn là cả nhà mẹ đẻ và nhà chồng đều ở Hà Nội, nên ngày Tết vẫn có thể tranh thủ về thăm mẹ.

Gia đình chồng tôi giữ nếp, mùng một Tết, cả nhà sẽ đến chúc Tết "bà sui" và dặn con trai ngày Tết mang quà biếu nhà vợ. Mùng 2 Tết, nhà ngoại tôi sẽ sang đáp lễ ông bà thông gia.

Nhà chồng tôi có điều kiện kinh tế khá hơn nhà tôi một chút. Bố chồng tôi lúc ấy có chức sắc, ông làm chánh văn phòng ở Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) còn mẹ chồng tôi làm nhân viên của Bộ. Hầu hết mọi người ở nhà chồng đều được đi học ở nước ngoài về.

Tôi còn nhớ ngày ấy, chồng đi nước ngoài về mua cho tôi cái khăn len quý lắm, tôi lại mang về biếu mẹ đẻ dùng.

Mẹ chồng tôi cũng là người phụ nữ rất tuyệt vời. Thế hệ phụ nữ ngày xưa, bà nội, bà ngoại, mẹ đẻ, mẹ chồng tôi đều là những người phụ nữ mà tôi học hỏi được rất nhiều điều.

Mẹ chồng tôi đảm đang, tháo vát, tâm lý. Bà nói rất hiểu tâm lý đi làm dâu nên không bao giờ có suy nghĩ "hành" con dâu. Thời đó bà đã có suy nghĩ cấp tiến, văn minh, hiểu biết.

Năm 16 tuổi đã đi thoát ly, vào quân đội, đó là lý do cho sự tự lập từ sớm của NSƯT Thanh Loan?

- Sống trong môi trường quân đội, tôi thích nghi nhanh. Cuộc đời làm lính, ăn theo kẻng, ngủ theo kẻng, tôi nghiêm chỉnh chấp hành.

Thời bao cấp với chế độ tem phiếu, đời sống khó khăn lắm. Việc tôi được đi thoát ly là một điều vinh dự, tự hào cho cả gia đình và dòng họ.

Chuyện cát-sê đi diễn thời đó khác bây giờ như thế nào, thưa cô?

Ngày đó, khi đi đóng phim, chúng tôi cảm thấy vinh dự và trách nhiệm chứ không có chuyện đòi hỏi hợp đồng cát-sê vai chính là bao nhiêu.

Lúc còn ở Đoàn kịch Quân đội, tôi đóng vai chính thì được tiền thù lao, tiêu chuẩn mỗi tháng là 2,4kg thịt. Có được bao nhiêu lại tích trữ, gửi về nhà.

Là con gái Hà Nội, thuở bé, cô có được bà và mẹ dạy về những đức tính cần có để giữ nét đẹp thanh lịch?

- Bà và mẹ dạy chúng tôi rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Con gái là phải thấm nhuần "công, dung, ngôn, hạnh", ăn nói dịu dàng. Các cụ dạy từ cách đi đứng, ăn uống,… chú ý đến từng chi tiết nhỏ.

Ví dụ trong bữa cơm, khi muốn ăn canh, phải đặt đũa xuống mâm ngay ngắn rồi mới dùng thìa múc canh vào bát mình. Thức ăn lấy cẩn thận vào bát rồi mới thưởng thức, không được ăn luôn trong lúc gắp. Từng thói quen nhỏ trong cuộc sống tạo thành nếp nhà.

3 chị gái của tôi, chị nào cũng biết thêu thùa, may vá, đảm đang lo cỗ bàn, cơm nước.

Riêng tôi đi thoát ly sớm nên về khoản tề gia nội trợ, tôi thú thực mình vụng. Ngày đầu về nhà chồng, tôi còn chưa phải nấu bữa cơm nào, không biết mổ gà, mổ cá ra sao.

Mẹ chồng và chồng hướng dẫn cách làm, tôi chú ý lắng nghe, quan sát, rồi cũng dần quen. Chồng tôi đi du học về cũng rất tự lập, đỡ đần vợ việc nhà.

Ni cô Huyền Trang Thanh Loan kể chuyện sống chung với mẹ chồng - 3

"CHỒNG YÊU TÔI Ở CHẤT LÍNH, NGHỆ SĨ NHƯNG KHÔNG ĐIỆU ĐÀ, KIÊU CĂNG, SỐNG KHIÊM TỐN, GIẢN DỊ"

Cô nghĩ rằng, có phải sự nhẹ nhàng của mình là điều khiến ông xã rung động hay vì lí do gì khác?

- Người ta có câu "gái ham tài, trai ham sắc". Thú thực ngày đó mọi người nhận xét tôi cũng xinh xắn, lại là văn công bộ đội, sống khiêm tốn, giản dị, chồng thích tôi ở điều đó, nói rằng, tôi không điệu đà, kiêu căng.

Lúc đầu, anh ấy nghĩ, nghệ sĩ là điệu đà lắm nhưng ở tôi lại có chất lính nhiều hơn. Dù thời đại nào, giữ được cốt cách con người là điều quan trọng nhất. 

Tôi nghĩ, càng giản dị, chân chất bao nhiêu, càng thể hiện rõ cốt cách cao đẹp của nghệ sĩ. Thế hệ NSND Trà Giang, NSND Ngọc Lan, NSND Tuệ Minh… đều sống giản dị, khiêm nhường, không mắc bệnh "ngôi sao".

Ni cô Huyền Trang Thanh Loan kể chuyện sống chung với mẹ chồng - 4

Trong số những vai diễn từng đóng, số phận người phụ nữ nào để lại trong cô nhiều ấn tượng nhất?

- Thời trẻ tôi thường đóng vai chính diện, nhân vật hiền lành, chân chất, đảm đang, tháo vát với cuộc sống chuẩn mực,…

Hai bộ phim đầu tiên, tôi đều vào vai những người phụ nữ có mối tình với anh thương binh, sau đó là vai cô giáo… Có lẽ các đạo diễn nhìn thấy sự gặp gỡ, tương đồng giữa tôi và các nhân vật.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, sức khỏe và công việc của cô và gia đình ra sao?

- May mắn trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, gia đình tôi chưa có ai bị F0. Hàng ngày, tôi ngồi thiền, đạp xe quanh nhà, tập thể dục nhịp điệu để nâng cao sức khỏe.

Lúc chưa có dịch, tôi tập khiêu vũ ở câu lạc bộ đã 10 năm nay.

Tôi bây giờ cũng ở tuổi 70 rồi, ơn trời Phật là mình có một cuộc sống nhẹ nhàng. Công tác hoạt động hội giúp tôi chống lão hóa, năng động hơn.

Hiện tôi là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ ở góc độ nào, kể cả khi không tham gia đóng phim, có những cuộc trao đổi, gặp gỡ đồng nghiệp cũng là cơ hội để mình trẻ ra. Hoạt động hội là cách tốt nhất để nâng cao thể trạng sức khỏe, chống lão hóa.

Một ngày bình thường của tôi được lấp đầy bởi công việc. Tôi thường xuyên lên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội để điều hành. Ngoài ra tôi cũng làm Chủ tịch Chi hội Điện ảnh Công an nên công việc luôn bị cuốn hút theo. Tôi nghỉ hưu còn bận hơn lúc đương chức nhưng rất vui.

Theo Dân trí 

MC Cafe sáng tiết lộ bà xã bằng tuổi xinh như hotgirl

MC Cafe sáng tiết lộ bà xã bằng tuổi xinh như hotgirl

MC Hoàng Quân của Cafe Sáng VTV3 nói điểm cuốn hút nhất ở vợ mình chính là ngoại hình, đôi mắt và nụ cười.