Phải xoay xở điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, thị trường tài sản như bong bóng chực vỡ, không nhiều người dám đặt niềm tin nơi ông.
Nỗi buồn cũ
Hòa với không khí gần như là lên đồng tập thể của công luận với truyền thống hay khen hèn chê (mà chả phải lúc nào cũng tỉnh táo?), dẫu chả phải PV mảng Tài chính - Ngân hàng nhưng người viết bài này cũng mạo muội góp vài bài. Tất nhiên không thống kê đủ đầy cùng là chi tiết cụ thể và chả ít những sơ suất này khác nhưng có lẽ nó như thứ lý lịch trích ngang thời điểm khốn khó của ngành ngân hàng (NH) khi ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới nhậm chức?
Tiếp nhận vị trí Thống đốc, trước mắt ông là kinh tế đất nước suy giảm, lạm phát hai con số (18,13%), rập rình những tin đồn rằng Việt Nam sắp bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, một cuộc “suy thoái kép”!
Phải xoay xở điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền tảng thị trường rệu rã, kinh tế đi xuống, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, thị trường tài sản như bong bóng chực vỡ, không nhiều người dám đặt niềm tin nơi ông.
Đã vậy, trong các kỳ trả lời chất vấn Quốc hội, dù rất tự tin nhưng thực tế là ông đã rất khổ sở khi cố gắng giải thích,trấn an cho các ĐBQH cùng cử tri đa phần đang hoang mang, hoài nghi (trong đó có người viết bài này) đến mức la ó về thực trạng lệt bệt yếu kém của ngành NH. Giải trình, tóm lại là ông Thống đốc giải thích cùng trình bày để bàn dân thiên hạ biết và thông với những khó khăn và hệ lụy của một hệ thống tiền tệ không nhịp bước và song hành với nền kinh tế. Rồi sẽ phải tả xung hữu đột ra sao với thị trường vàng hỗn loạn mà 13.700 hiệu kinh doanh vàng bạc tung tác lâu nay vv... và vv...
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao quà Tết cho Đồn biên phòng Tây Trang, tỉnh Điện Biên. |
Ngày 11/6/2013, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, ông Bình đứng gần cuối với 209 phiếu tín nhiệm thấp.
Như thế nào nhỉ? Đến tận thời điểm ấy mà công luận và nghị trường dường như vẫn còn khắt khe, nghiệt ngã và có chút chi đó chưa mấy công tâm (khá hơn thì dè dặt?) với công cuộc vượt thoát với cái đích kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô âm thầm và quyết liệt của ngành ngân hàng?
Thậm chí, một hệ thống ngân hàng từ chỗ làm ăn sai nguyên tắc, coi thường kỷ cương luật pháp, sử dụng tiền gửi của dân vào lợi ích nhóm nhưng nay đã đi vào quy củ, thanh khoản ổn định, niềm tin đồng tiền Việt được nâng lên dường như đã không hiện ra trên lá phiếu tín nhiệm của ông Thống đốc.
Và niềm tin mới
Thời gian vốn vô tình khắc nghiệt nhưng không suông nhạt với người có công. Ba năm cầm lái điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc và bộ máy lãnh đạo NHNN đã khôn khéo quyết liệt tiến hành hàng loạt giải pháp có tính căn cơ và kết quả là mặt bằng lãi suất tiền vay thị trường 1 giảm dần từ mức 22%/năm vào cuối 2011 xuống còn 6% - 7%/năm với các lĩnh vực ưu tiên, vay trung dài hạn phổ biến 10%/năm; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, ổn định thị trường vàng, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo an toàn hệ thống các hệ thống tài chính tín dụng.
Và có vẻ thiêu thiếu nếu không tính đếm đến thông cáo báo chí của bà Christine Largarde, Tổng GĐ IMF nhân buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 9/2013 với 2 tổ chức tài chính WB và IMF: “Chúng tôi đã thảo luận hiệu quả về tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong việc khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm vừa qua cùng thành tích giảm nghèo đáng ngợi khen của Việt Nam.
Tôi hoan nghênh nỗ lực của VN trong việc duy trì củng cố tài khóa và đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm nay đã góp phần giúp kiềm chế lạm phát”.
… Tôi chúc mừng Thủ tướng Dũng đã chỉ đạo xây dựng chương trình cải cách của Việt Nam tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp, cải cách đầu tư công”.
Và kết thúc năm 2014, năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức thấp!
Ta vẫn hằng nghe cụm tư Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế… Chưa hẳn chỉ cái việc Fitch (cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B+ lên BB-, Moody nâng từ B2 lên B1).
Thống đốc Nguyễn Văn Bình dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên. |
Mà là một chuyện…
Cánh phóng viên tòa báo gần như là cái bình thông nhau qua email với Thư ký Tòa soạn. Thường lệ cứ check vào lúc 6 giờ sáng. Bữa ấy có thể gọi là khởi đầu một ngày đẹp giời? Đang đậm một tin ở mục hot.
Vào lúc 1 giờ chiều giờ San Francisco ngày 6/11/2014 (tức 4 giờ sáng ngày 7/11/2014 giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD với mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất!
Lãi suất thấp nhất? Sau đấy coi xét lại, tôi mới bừng thức ra một điều là trong các đợt bán trái phiếu năm 2005, Việt Nam đã phải trả 6,875%/năm và năm 2010 là 6,755%/năm. Đạt được mức lãi suất thấp lần 2014 này, VN đã tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ (trong 10 năm).
Với thành công vượt mức mong đợi về lãi suất cộng với uy tín việt Nam trên trường tài chánh quốc tế, ngay sau đó có nhiều ý kiến lạc quan lẫn khích lệ trên truyền thông rằng, VN cần tận dụng khẩn trương thị trường vốn quốc tế đang diễn biến rất thuận lợi, Bộ Tài chính rất nên tiếp tục tăng khả năng phát hành trái phiếu trong thời gian tới để tiếp tục chủ động tái cơ cấu danh mục nợ công!
Mới qua vài ngày của năm mới 2015, thiên hạ bất thần mục kích một cú quyết lạ của Thống đốc Bình. Đùng cái có lệnh điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ. Thiên hạ lập tức xì xào rồi la ó rằng đương yên đương lành ông Thống đốc Bình bày đặt ra chuyện điều chỉnh làm gì? Khuyến khích xuất khẩu ư? Nhưng cứ tăng thêm 1%, đồng nghĩa với việc giảm 1% giá trị đồng tiền Việt Nam. Rồi đồng USD sẽ vọt giá cùng với việc VND tụt giá vô tội vạ, biết đâu sẽ kéo theo những xáo động cùng hỗn loạn trên thị trường tài chính nữa là khác?
Nhưng bất ngờ, thị trường đã lặng lẽ, lạnh lùng làm chức phận điều chỉnh của nó. Người ta thấy sau quyết định điều chỉnh, giá trị đồng VND hiện lại quay ngược dòng lên giá so với đồng USD.
Và đến thời điểm này, việc điều chỉnh không những không làm xáo trộn và ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ mà tính thanh khoản thị trường tốt, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lên tới trên 1 tỷ USD. Từ ngày 14/1/2014, chỉ một tuần sau khi tỷ giá BQLNH được điều chỉnh, NHNN đã bắt đầu mua ngoại tệ từ hệ thống tổ chức tín dụng để bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, thực hiện mục tiêu tăng Dự trữ ngoại hối do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2014 lại thêm một cái đùng!
Vậy là cả năm 2014, Thống đốc Bình không nhập một ki lô gam vàng nào? Không có một cuộc đấu thầu nào về vàng? Vậy nền kinh tế xứ mình không cần vàng? Và hàng ngàn cửa hàng vàng bạc chuyên chế tác giao dịch vàng miếng, vàng trang sức tròm trèm bình quân mỗi năm cũng ngốn đứt 25 - 30 tấn vàng lại vẫn tấp nập hoạt động? Trao đổi với một chuyên gia, ông này cho biết, do giá trị đồng nội tệ được nâng cao, đến nay, vàng gần như biến mất trên phương diện là phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Cũng do tính hấp dẫn của vàng miếng đã giảm mạnh nên thị trường vàng ổn định, không còn các cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội như trước đây. Cũng vì vậy, đất nước không phải tốn hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng chính ngạch và số ngoại tệ không thể đong đếm từ nhập vàng lậu.
Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã được đẩy lùi, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển KTXH.
Các quyết sách của Thống đốc Bình thường xuất hiện trong thời điểm nào vậy?
Tôi nhớ có chuyến ngược Điện Biên với Thống đốc đầu năm 2014.
Sự cố duy nhất chuyến đi, do trời mù đặc nên chiều muộn không có chuyến bay về. Thế là tất cả đành xuôi Thủ đô bằng mấy cái xe con.
Đến Mộc Châu đã khuya. Trong lúc đợi cơm, tôi bắt gặp động thái gần như cố hữu của Thống đốc Bình là cứ đăm đăm cái nhìn lên trần nhà! Ấy là khi ông đương suy nghĩ gì lung lắm? Bất chợt nhớ lại những xì xào này khác là cơn cớ gì mà ông Thống đốc phải bươn bả đây đó làm chi cho mệt? Vừa mới có chuyến kiểm tra thực tế cơ sở kiêm làm công tác an sinh xã hội mãi ở trong Quảng Bình nay lại ngược tận Điện Biên Tây Bắc? Rằng vị thế Tư lệnh ngành cứ là phải nghĩ, phải quyết ở tầm vĩ mô chứ không thể là những chuyến thực tế liên tu bất tận với cơ sở? Hay việc sát sàn sạt ấy nó hiệu quả hơn sự chỉ đạo từ xa mà như cụ Nguyễn Du nói dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng? Hoặc là ông Thống đốc, cũng thường như thói người ta, muốn ghi điểm với dư luận qua công tác an sinh từ thiện trao quà dịp lễ tết của ngành ngân hàng đến những vùng sâu vùng xa?
- Nghĩ gì mà thừ ra thế ông Thống đốc?
Thống đốc Bình hờ hững cầm lên chén rượu dân tộc nãy giờ còn nguyên. Tôi nhớ ngay ra cái căn bệnh bao tử hành hạ ông lâu nay. Thống đốc đặt chén xuống, bất chợt hướng về phía tôi, vui vẻ:
- Nhà báo có biết tôi đang nghĩ cái gì không?
TĐ Bình nói một mạch như sợ ai đó cắt nhời… Rằng hiện Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Nhưng Điện Biên và Lai Châu, điều bất ngờ lại là những địa phương tăng trưởng tín dụng năm 2013 khá cao (từ 16% đến gần 19%) và đặc biệt tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 1%! Như Lai Châu, tính đến 31/12/2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,82% trong tổng dư nợ 10.504 tỷ đồng. Và Điện Biên chỉ 0,29% trong tổng dư nợ 7.864 tỷ.
Tôi đang ngạc nhiên cái điều, ông Thống đốc có thói quen nhớ những con số. Đặc biệt cả số lẻ. “Người dân, doanh nghiệp ở những tỉnh nghèo vay vốn và trả nợ ngân hàng rất có trách nhiệm nên tỷ lệ nợ xấu ở đây rất thấp. Trong khi cả nước đang phải đau đầu với nợ xấu”.
Thì có gì lạ? Người nghèo ít khi nghĩ cái ác và cái … Cổ nhân từng nói vậy…
Khi lên xe giữa khuya, TĐ Nguyễn Văn Bình buông một câu chắc nịch với cấp dưới: “Có lẽ phải có ngay kế hoạch tăng tín dụng tại những địa bàn trên”.
Đến lúc này tôi mới thoáng nhớ lúc ở Điện Biên, ông ngồi lại khá lâu với lãnh đạo ngân hàng địa phương, rồi chuyện trò với người nghèo được tặng quà nhưng trong đầu ông lại đang lóe lên ý nghĩ: nợ xấu thấp như vậy thì có thể cho phép tăng tín dụng thêm nếu dư địa hấp thụ vốn vẫn còn.
Không biết ba giờ sáng hôm ấy về Hà Nội hay thời điểm nào, ông đã quyết kế hoạch tăng tín dụng cho các địa phương nghèo ấy!
… Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên lề chuyến thăm, tôi may mắn theo chân Thống Đốc Bình đến làm việc ở Ngân hàng Trung ương Hà Lan - De Nederlandsche Bank - DNB.
DNB là một tòa lâu đài cổ. Nhưng các nét hoa mỹ của lối kiến trúc cổ điển dường như nhạt bớt với cung cách bài trí của một trung tâm tài chánh và hình như kiêm cả việc giữ tiền nữa bởi có tới 4 lần an ninh làm nhiệm vụ kiểm tra lẫn soi chiếu bất kỳ ai, kể cả ông Thống đốc Bình.
Tôi biết ông Thống đốc cùng đoàn công tác đều rành tiếng Anh. Riêng Thống đốc Bình nói thạo Anh, Pháp, Nga. Về khách sạn mượn cái laptop của anh trợ lý, Thống đốc coi lại để tạm lơ mơ thêm rằng, hóa ra ở xứ sở giàu nứt đố đổ vách này, ngân hàng cũng có bao nhiêu cái rủi ro này khác rình rập. Và ngạc nhiên chưa, họ cũng bề bề ra các thứ nợ xấu!
Cũng biên ra đây lời ông Thống đốc Ngân hàng T.Ư Hà Lan dẫn nguồn của Ngân hàng Thế giới:
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Hà Lan từ năm 2000-2012, trong đó tỷ lệ nợ xấu trung bình của hệ thống trong giai đoạn này là 2,25%, với mức thấp nhất là 1,2% năm 2005 và cao nhất là 3,2% năm 2009 (năm 2009 cũng là năm duy nhất hệ thống ngân hàng Hà Lan có tỷ lệ nợ xấu trên 3% do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu).
Mà ông Thống đốc Bình, trong buổi làm việc, căn vặn chủ nhà hơi bị cặn kẽ. Ông hỏi tỷ mỷ cụ thể rằng, IMF nhận xét đánh giá như thế nào về cung cách xử lý nợ xấu của DNB.
Nợ xấu, tây, ta đều vướng…Nhớ lần ngồi với ông Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, nợ xấu không có gì xấu cả. Vấn đề là giải quyết nó thế nào?
Thận trọng ( khác với rụt rè như có người nói?) với tăng trưởng tín dụng và quyết liệt giải quyết nợ xấu. Với việc thực thi quyết liệt 2 nhiệm vụ chiến lược hiện tại, chắc ngành NH và Thống đốc Bình có những cách làm độc đáo theo cách riêng và cả kinh nghiệm xứ người?
Lần gặp mới đây ở Bình Định trong một chuyến công cán, tôi tình cờ bắt gặp câu hỏi của mấy nhà báo với ông Thống đốc rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng top 10 trong những quốc gia có lượng kiều hối (trên 10 tỷ USD) chuyển về nhiều nhất. Có ý kiến còn băn khoăn nghi ngại, liệu có yếu tố rửa tiền ở đây?
Tôi nhớ ông Thống đốc đã điềm tĩnh đại ý, số lượng kiều hối chuyển về nước được NHNN thống kê từ nguồn số liệu chính thức của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam và các tổ chức chuyển tiền quốc tế có uy tín, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tổ chức phòng chống rửa tiền quốc tế. Do đó, thông tin cho rằng kiều hối chuyển về Việt Nam có yếu tố rửa tiền là không có cơ sở.
Niềm tin. Dẫu còn chút gì đó phải chờ đợi nhưng chữ tín như một biến tướng sinh động của niềm tin, dẫu một cá nhân trao cho ai đó đã là cái gì hệ trọng? Huống hồ đây là lòng tin của muôn lương dân cùng doanh nhân nước Việt đã vừa trao vừa gieo. Niềm tin ấy sẽ tiếp nối sinh lời bao mùa vụ sạch và xanh trên cánh đồng ngân hàng?.
(Theo Tiền phong)