Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra những giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thiện, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới được Mặt trận và các hội, đoàn thể đẩy mạnh. Các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Ninh Phước đã huy động nguồn lực trên 942 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong đó, vốn từ ngân sách trên 52 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 653 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 182 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác trên 51 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 3,2 tỷ đồng.
Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và huy động từ các nguồn lực trong nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Ninh Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Cụ thể, 100% đường giao thông trục xã, trên 85% trục đường thôn, đường ngõ xóm và 91% đường nội đồng đã được bê tông cứng hóa; 8/8 xã có trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn, khu phố và 99,9 hộ dân sử dụng điện lưới; 100% thôn, khu phố, hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Với quyết tâm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai và nhân rộng hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Qua đó, kinh tế nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bước đầu gắn với du lịch và khai thác lợi thế từng địa phương, nâng cao năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã hình thành 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản tại xã An Hải với 168ha và vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao An Hải 130ha; nhiều mô hình sản xuất, cánh đồng lớn được triển khai nhân rộng gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Huyện phát triển được 29 sản phẩm OCOP. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt 223,6 triệu đồng/ha, tăng 1,15 lần so với 2020. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 758 hộ nghèo, chiếm 1,84%, giảm 2,21% so với năm 2019; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm...
Với những thành quả nói trên, huyện Ninh Phước đã đạt 29/38 nội dung và 5/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới; các xã đạt từ 16-18/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Có 2 xã Phước Thuận và An Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 18 thôn đạt nông thôn mới và 1 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, với mục tiêu phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, cấp xã tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và có giải pháp duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, thôn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tập trung nguồn lực cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch và khai thác những lợi thế của huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi và tạo điều kiện thuận cho nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ.