Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp, hàng năm Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên ở các địa phương.

Các lớp tập huấn đã hướng dẫn các hội viên cải tạo, xây dựng vườn mẫu theo các tiêu chí vườn mẫu đạt chuẩn nông thôn mới, cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới để giới thiệu như: Sản xuất rau trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, chăn nuôi khép kín công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn... 

Ảnh 1: Vườn mẫu của ông Lê Thế Tào, xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã được thẩm định, đánh giá đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới.
Vườn mẫu của ông Lê Thế Tào, xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đã được thẩm định, đánh giá đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới. Ảnh: T. Hoa.

Để khuyến khích hội viên mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, hội đã hỗ trợ một phần kinh phí tùy vào diện tích, quy mô từ 15 - 25 triệu đồng/vườn để các hội viên đầu tư máy móc, trang thiết bị. 

Đồng thời phát động phong trào sản xuất, xây dựng vườn mẫu, chú trọng khuyến khích các hội viên phát triển mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp sinh thái du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp các vườn sớm hoàn thành các tiêu chí để được công nhận vườn mẫu đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ năm 2020 đến nay, Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ cho khoảng 20 vườn với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hội viên đã cải tạo, xây dựng thành công các mô hình vườn mẫu đạt tiêu chí về thẩm mỹ, xanh, sạch, đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thị xã Ba Đồn hiện có 9 vườn được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới. Địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích người dân quy hoạch, chỉnh trang vườn tạp để tạo mặt bằng xây dựng, phát triển các khu vườn mẫu. Bên cạnh đó, thị xã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các hộ dân đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Cụ thể, hỗ trợ các thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm, sơ đồ vườn mẫu; hỗ trợ 10 triệu đồng khi vườn đạt chuẩn… Đồng thời chỉ đạo các cơ quan tích cực hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp liên quan xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm từ vườn mẫu của nông dân tiêu thụ ở các cửa hàng thương mại, siêu thị trong và ngoài địa bàn.

Phong trào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, hình thành nếp lao động, sản xuất khoa học, sử dụng quỹ đất đạt hiệu quả cao mà còn góp phần nâng cao thu nhập hộ gia đình. 

Năm 2018, thực hiện chủ trương và hướng dẫn của UBND xã Mai Thủy, huyện Lệ Thuỷ về cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế, gia đình ông Lê Thế Tào ở thôn Thái Xá đã tiến hành cải tạo lại khu vườn, trồng các loại cây như ổi, bưởi da xanh, cam chanh Hà Tĩnh, hồ tiêu… Bên cạnh đó, gia đình cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu theo công nghệ Israel để tiết kiệm nước, nhân công lao động và đem lại hiệu quả cao. 

Đến năm 2022, gia đình ông bắt đầu tham gia xây dựng mô hình vườn mẫu nông thôn mới và hiện đã được huyện thẩm định, đánh giá đạt các tiêu chí vườn mẫu. 

Ngoài việc quy hoạch lại hệ thống vườn, đầu tư mở rộng diện tích, gia đình ông Lê Thế Tào cũng thường xuyên vệ sinh, cắt tỉa cây cối. Trong quá trình trồng cây, gia đình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay vào đó là dùng rơm rạ để phủ gốc cây, hạn chế cỏ và sử dụng các loại phân bón hữu cơ nên cây cối phát triển tốt, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xanh, sạch, an toàn, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 

Có thể nói, phong trào xây dựng vườn mẫu đang từng bước thay đổi tư duy làm kinh tế vườn của các hội viên theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị.